Cà Mau: Không để lây lan dịch bệnh trong trường học

04/09/2024 - 10:17

Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và các bệnh dù có vắc xin phòng bệnh ở trẻ nhưng có thể quay trở lại. Ðể chủ động kiểm soát các loại dịch bệnh truyền nhiễm có thể lây lan trong trường học và bảo vệ sức khoẻ học sinh, trước khi bước vào năm học mới, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo Bác sĩ Vương Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau: “Tình hình dịch bệnh ngoài cộng đồng đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch bệnh lây lan trong trường học rất cao, nhất là trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học. Do trẻ ở độ tuổi này chưa có ý thức phòng bệnh, trong môi trường sinh hoạt đông đúc, rất khó kiểm soát. Ðầu năm học, Sở Y tế đã chỉ đạo cơ sở y tế phối hợp với các điểm trường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Sở Y tế cùng với Sở Giáo dục và Ðào tạo tổ chức 2 đoàn đến kiểm tra, nhắc nhở tất cả điểm trường trước khi đón trẻ đến lớp. Ðồng thời, giám sát phát hiện sớm, kịp thời cách ly, xử lý ổ dịch sớm nhất, kiên quyết không để dịch lan rộng”.

Trước khi bước vào năm học mới, trung tâm y tế, trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực của các huyện, thành phố phối hợp với các điểm trường tiến hành phun hoá chất khử khuẩn, hoá chất diệt muỗi, đồng thời cấp hoá chất, hướng dẫn giáo viên vệ sinh trường lớp, dụng cụ và đồ chơi của trẻ.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Trường Tiểu học Hùng Vương, Phường 5, TP Cà Mau.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Trường Tiểu học Hùng Vương, Phường 5, TP Cà Mau.

Bác sĩ Nguyễn Anh Triều, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành phun hoá chất diệt muỗi và cấp hoá chất cho 68 điểm trường trên địa bàn huyện, đồng thời hướng dẫn giáo viên vệ sinh trường lớp. Tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Trung tâm Y tế, Thành đoàn đến giám sát, hỗ trợ các điểm trường thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Bác sĩ La Bích Ly, Trưởng phòng khám Ða khoa khu vực Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, thông tin: “Ðến thời điểm này, các loại dịch bệnh truyền nhiễm đều giảm so với cùng kỳ năm 2023, chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh ngoài cộng đồng cũng như tại các điểm trường nhân dịp đầu năm học mới. Phối hợp chặt chẽ với các điểm trường tuyên truyền cho giáo viên, học sinh và phụ huynh về kiến thức phòng, chống dịch”.

Kiểm tra trang thiết bị, tủ thuốc tại Trường Mầm non Sao Mai, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Ngành y tế phối hợp với nhà trường đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin về dịch bệnh để giáo viên tuyên truyền đến phụ huynh. Hướng dẫn giáo viên giám sát, phát hiện sớm những trẻ mắc bệnh để cách ly điều trị và thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm cho những trẻ khác.

Bà Phù Thuý Kiều, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, cho biết: “Năm học 2024-2025, trường có hơn 300 trẻ. Trước khi đón trẻ, nhà trường đã vệ sinh trường, lớp và dụng cụ, đồ chơi của trẻ. Chỉ đạo giáo viên kiểm tra, theo dõi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh để phối hợp với y tế cách ly, xử lý ổ dịch kịp thời. Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền phòng bệnh đến phụ huynh, thông báo cho nhà trường những trẻ mắc bệnh để phòng lây bệnh cho những trẻ khác”.

Ngành y tế khuyến cáo, hiện nay các loại dịch bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bạch hầu... có nguy cơ lây lan và bùng phát rất cao, trong khi đó, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh và diễn biến nặng. Do đó, công tác phối hợp giữa y tế, nhà trường và các bậc phụ huynh đóng vai trò quan trọng, góp phần kiểm soát hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ngoài cộng đồng"./.

Theo MINH KHANG (Báo Cà Mau)