Chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 19/5, nhân Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Không gian văn hoá Hồ Chí Minh" với diện tích gần 45 m2, sức chứa hơn 40 người, trưng bày gần 80 hình ảnh.
Cô Trần Thị Kim Lài giới thiệu về ý nghĩa của các hình ảnh được trưng bày trong không gian văn hoá.
Cô Trần Thị Kim Lài, nhân viên thư viện, đồng thời là thuyết trình viên của "Không gian văn hoá Hồ Chí Minh", cho biết: “Mô hình được chia thành 5 không gian chính, các hình ảnh được trưng bày theo mốc thời gian. Bắt đầu từ những hình ảnh về quê hương, gia đình thời niên thiếu của Bác, tới hành trình Bác đi tìm đường cứu nước, những mốc son trong sự nghiệp cách mạng của Người, và sau cùng là hình ảnh các hoạt động của Ðảng bộ, chính quyền huyện Năm Căn trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, có 2 mô hình, là nhà sàn nơi Bác ở, làm việc và Bến Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Song song đó, nơi đây còn trưng bày nhiều đầu sách viết về sự nghiệp, cuộc đời, tư tưởng của Bác... để các em học sinh, cán bộ, công nhân, viên chức có dịp ghé tham quan, đọc những quyển sách này để những giá trị cao đẹp về Bác được lan toả sâu rộng”.
Trong không gian văn hoá còn có 2 mô hình, là Nhà sàn - nơi Bác ở và làm việc và Bến Nhà Rồng - nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước.
Thầy Lê Văn Út, Phó hiệu trưởng Trường THCS Phan Ngọc Hiển, cho biết: “Từ khi "Không gian văn hoá Hồ Chí Minh" được thành lập và đưa vào hoạt động, nhà trường bố trí người phụ trách, quản lý các hình ảnh, bảo tồn để nơi đây luôn được trang nghiêm, sạch đẹp. Từ khi đưa vào hoạt động, trường đón rất nhiều đoàn khách về tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm. Dù không gian còn nhỏ, nhưng mô hình này được xem là một trong những cách làm mới, nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ðây sẽ là nơi để cán bộ, đảng viên, hội viên, học sinh học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, lan toả trong đời sống xã hội”.
Thiếu tá Lâm Huy Vũ, Chính trị viên Ðồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Năm Căn, chia sẻ: “Ðơn vị phối hợp Ban Tuyên giáo, Hải đoàn 42 Cảnh sát biển tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tham quan “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” tại Trường THCS Phan Ngọc Hiển. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ngoài xem hình ảnh, sách viết về Bác, các em học sinh có thể sử dụng điện thoại quét mã QR được dán tại đây để truy cập thêm thông tin.
Thầy Út chia sẻ: “Ngoài thời gian học chính khoá trên lớp, các giáo viên bộ môn tranh thủ cho các em xuống không gian văn hoá này để học thêm những kiến thức từ thực tế thông qua những hình ảnh cụ thể để các em nắm sâu, giúp các em nhớ lâu các bài mình đã học. Ðồng thời, nhà trường đang chuẩn bị tổ chức cuộc thi thuyết trình dành cho các khối lớp, với nội dung xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ít nhất mỗi khối lớp tìm ra được vài em có thể thuyết trình và nắm sâu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác”.
Sau mỗi tiết học, học sinh trong trường háo hức đến không gian văn hoá để tham quan và học hỏi từ những hình ảnh trực quan.
Em Lê Văn Khoa, Lớp 9A1, chia sẻ: “Em rất thích hoạt động thuyết trình vì rèn cho mình sự tự tin, kỹ năng xử lý tình huống khi đứng trước đám đông, nên khi trường tổ chức thi thuyết trình, em đăng ký tham gia, qua đó em hiểu sâu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Mô hình "Không gian văn hoá Hồ Chí Minh" trong trường học là mô hình mới, không chỉ giúp tập thể giáo viên, học sinh nhà trường nâng cao việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà qua đó mỗi giáo viên còn soi rọi, ý thức trách nhiệm hơn nữa với sự nghiệp “trồng người”. Từ kết quả tại Trường THCS Phan Ngọc Hiển mang lại, hy vọng rằng mô hình này sẽ được triển khai, nhân rộng đến các tổ chức cơ sở đảng, các trường học trong thời gian tới./.
Theo KIM CƯƠNG (Báo Cà Mau)