Cà Mau: Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm nơi bảo tồn động vật hoang dã

24/03/2023 - 09:54

Giữa bốn bề là tràm, Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm (Ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) gần như là nơi đầu tiên của tỉnh Cà Mau thực hiện khôi phục và bảo tồn động vật hoang dã. Có loài nằm trong sách Ðỏ, thuộc dạng quý hiếm được gìn giữ. Khám phá vườn thú nơi đây, nhiều câu chuyện hấp dẫn mở ra từ những người dành trọn tâm huyết và tình yêu với động vật hoang dã.

Nhiều loài thú quý hiếm

Nơi đây có các loài thực vật, động vật rất đa dạng và phong phú, đặc trưng của hệ sinh thái rừng tràm với khoảng 300 loài, mang tính đa dạng sinh học cao.

Trăn gấm được bảo tồn khá nghiêm ngặt.

Anh Nguyễn Hoàng Khởi, Trưởng ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, cho biết: “Khu vực nuôi nhốt (bán hoang dã), động vật đang sinh trưởng và phát triển tốt; các chế độ ăn uống, thuần dưỡng; thuốc men... rất đặc biệt nhằm bảo tồn những loài quý hiếm, bao gồm: khỉ, đà điểu, rắn hổ mang, le le, nai, gấu, vịt trời... Bên cạnh đó, dưới hệ sinh thái rừng nguyên sinh còn có nhiều loài động vật quý hiếm và phong phú như: trăn, rùa, rắn, kỳ đà...”.

Trước đây, nơi này là vườn sưu tập động, thực vật thuộc hệ sinh thái rừng tràm, sau thời gian có khách đến thăm quan, đã thành lập khu du lịch sinh thái, với tổng diện tích hơn 110 ha.

“Trước đó thuộc huyện Thới Bình, từ năm 2008 chịu sự quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ tỉnh Cà Mau”, anh Lê Văn Quạ, Phó ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, thông tin thêm.

Ðà điểu có nguồn gốc từ châu Phi đã thích nghi với môi trường ở Việt Nam, phát triển rất tốt tại Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm. Vào thời gian khoảng tháng 3, đà điểu bắt đầu sinh sản.

Về đội ngũ chăm sóc các loại thú quý hiếm có 4 thành viên, thay phiên nhau trực ca và quản lý, ban đêm đều có nhân viên ngủ lại chòi canh. Ngày và đêm đều có đội đi tuần tra, quản lý và bảo vệ rừng, nhất là trong mùa khô. Ngoài tuần tra luồn rừng, phòng trường hợp người dân vào lấy ong gây cháy rừng, còn bảo tồn nguồn lợi cá đồng (cấm khai thác bằng mọi hình thức) và tạo môi trường sống cho động vật hoang dã.

Với từng khu nuôi nhốt riêng, tuỳ theo tập tính, sở thích của động vật mà cho ăn chế độ riêng và lượng thức ăn khác nhau. Lúc động vật ăn cũng có cán bộ của khu du lịch đứng canh để bổ sung thức ăn kịp thời, đánh giá tình hình sức khoẻ; hay chăm sóc những cá thể nhỏ vừa mới chào đời.

Cá thể nai đang sống khoẻ mạnh.

Tại đây, loài chim le le (khoảng 70 cá thể) và nai (1 cá thể) là hai trong những loài động vật đang được nuôi nhốt và bảo tồn khá nghiêm ngặt, nhằm duy trì nguồn giống.

Anh Võ Tiến Phước, nhân viên Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, cho biết: “Loài le le rất phù hợp với khí hậu và thời tiết của vùng rừng U Minh Hạ, vì thế chúng tôi đang cho nhân đàn, sinh sản để sau này vừa bảo tồn, vừa thả về thiên nhiên. Mỗi lần thấy nó đẻ là anh em rất mừng. Riêng nai thì dự kiến kiếm thêm cá thể cái để giao phối, cho sinh sản”.

Theo anh Khởi, nuôi động vật hoang dã cũng khá dễ, phải tìm hiểu tập tính mới chăm sóc nó được. Riêng vấn đề phóng sinh động vật hoang dã tại đây cũng được Ban Quản lý hoan nghênh, nhưng cũng phải kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, vì một số động vật ngoại lai có thể ảnh hưởng đến những loài khác. “Gần đây loài khỉ mặt đỏ là loài thú quý hiếm cũng được phóng sinh về rừng nguyên sinh và thích nghi khá tốt với nơi này”, anh Khởi cho biết.

Nơi đây thường được chọn là nơi phóng sinh động vật hoang dã về rừng.

Bảo vệ vườn chim

Theo người dân sống lân cận, trước đây khu du lịch này còn được gọi là khu vườn chim, vì có nhiều loài chim trú ngụ. “Tuy nhiên, do đây là rừng sản xuất, khai thác và trồng theo chu kỳ; một số loài cây sau thời gian trồng bị chết nên không còn chỗ cho chim ở nữa”, anh Trần Thanh Phong, nhân viên Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, cho biết.

Hiện nay, hệ sinh thái rừng tràm của khu du lịch được bảo tồn và gìn giữ, việc gầy dựng lại vườn chim là hết sức cần thiết. Với khoảng 1 ha, vườn chim tại Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm là tâm huyết của anh em trong ban quản lý, bởi khu du lịch sinh thái thì phải có vườn chim cho khách du lịch tham quan và trải nghiệm.

Anh Lê Văn Quạ chia sẻ: “Khu vực dẫn dụ là 0,6 ha, đang thuần nuôi 2 loài là cò trắng và còng cọc (khoảng 40 con). Hiện tại cũng có nhiều loài chim, cò về đây trú ngụ, làm tổ (khoảng hơn 100 con)”.

Anh Lê Văn Quạ, Phó Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm chăm sóc đàn cò nhỏ của mình.

Sửa soạn vài công cụ đi rừng, vào giờ trưa, tôi cùng anh len lỏi bằng xuồng băng qua nhiều cánh rừng tràm mới đến được vườn chim. Ðến nơi, anh bảo: “Ðến giờ cho ăn rồi, chắc chúng đang đói”. Tự tay anh lựa chọn thức ăn cho chim, cò và đặt vào vị trí trong khu vực nuôi nhốt. Mỗi ngày 2 cữ như thế, qua thời gian chúng cũng dần thích nghi và dạn dĩ hơn, không còn hoảng loạn như trước.

Ðể tạo chỗ trú cho chim cò, anh Quạ tự tay trồng thêm: gừa, trâm bầu, tre, trúc, lục bình, sộp... Ðây là những loài cây sống bền bỉ, không bị chết và tín hiệu ban đầu cũng rất khả quan. Không ngừng nâng cao kỹ năng dẫn dụ chim cò, anh Quạ tìm tòi, học hỏi những kiến thức trên mạng hay từ những “tiền bối” chuyên về chim, cò. Trước đây chỉ có 2 loài: còng cọc và cò trắng; đến nay đã xuất hiện thêm diệc, điên điển (thuộc dạng quý hiếm)... về vườn làm tổ.

Hướng mắt về khu vực vườn chim, anh Quạ cho biết: “Khi mua cò về, mình phải thuần một thời gian (khoảng 1 tháng) cho lông, cánh cứng thì mới tháo cốt và cắt cánh. Sau đó nuôi nhốt khoảng 2 tuần, quá trình này phải cho ăn thường xuyên, trộn thuốc kháng sinh để vết thương trên cánh mau lành, rồi thả ra ngoài tự nhiên. Ðến nay, cò đã hơn 1 tháng tuổi; tôi hy vọng rất nhiều về lứa cò này, mong sau khi thả ra nó sống được và gắn bó với nơi này”.

Câu chuyện gầy dựng vườn chim là một trong những yếu tố làm nên đa dạng hệ sinh thái của vùng rừng U Minh Hạ. Theo định hướng phát triển du lịch của rừng tràm U Minh Hạ, dựa trên những tiềm năng hệ sinh thái động, thực vật phong phú, rất cần người tâm huyết như anh Quạ. Phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội - hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch đặc thù, để khi du khách đến đây, được hoà mình vào thiên nhiên, không khí mát mẻ trong lành. Nổi bật là phong cảnh bốn bề màu xanh của cây tràm, đây sẽ là điểm du lịch rất lý tưởng để du khách đến thư giãn, nghỉ ngơi...

Theo Báo Cà Mau