Lần theo con lộ nhánh (0,5 m) gập ghềnh, ngoằn ngoèo với chiều dài hơn 4 km và con kênh 6 Thước chừng hơn 1 km, mới đến được căn nhà của người thương binh 2/4 Nguyễn Việt Hải. Căn nhà cấp 4 đơn sơ nhưng kín đáo, vững chắc, là thành quả lao động không ngừng nghỉ và ý chí vượt khó, chắt chiu dành dụm của vợ chồng ông.
Ông Nguyễn Việt Hải cắt cá mồi nuôi 2 ao cá bống tượng.
Ông Hải sinh ra trong gia đình 11 anh em, cái nghèo khó cứ bủa vây. Năm 1985, ông Hải tham gia nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 869 Sóc Trăng, rồi được nhận nhiệm vụ hậu cần, sản xuất giúp nước bạn Campuchia. Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng những khắc nghiệt, khó khăn của người lính ông đều nếm trải. Ðến tháng 10/1988, trong lần cùng đồng đội hành quân, do giẫm phải mìn, khiến ông mất đi một phần chân. Ông được đưa về nước điều trị thương tật, sau đó phục viên trở về quê nhà. Những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội giúp nước bạn Campuchia, đã trui rèn cho ông ý chí kiên cường trước khó khăn, gian khổ.
Trở về quê hương, cuộc sống nghèo khó, cộng thêm bệnh tật của cha già nên đất đai lần lượt ra đi. Hoàn cảnh đưa đẩy ông Hải rời quê, đến Cà Mau rồi bén duyên cùng bà Nguyễn Thị Nương, xây dựng mái ấm gia đình tại ấp Cây Trâm, xã Ðịnh Bình.
Ông Hải với cơ thể mất 1/3 chân phải, tỷ lệ thương tật 61% nên cuộc mưu sinh của vợ chồng ông chẳng dễ dàng gì. Sau thời gian làm nhiều nghề mưu sinh như đan sịa, nia, rồi mua bán hàng bông nhưng không cải thiện được kinh tế gia đình, ông bán ghe, lên bờ.
Ông được cha mẹ vợ cho 10 công ruộng tại kênh 6 Thước, Ấp 2, xã Tân Thành. Ruộng trũng, nhiều phèn, toàn năn bộp, canh tác lúa kém hiệu quả. Quyết tâm vươn lên bằng chính sức lao động của mình, ông đào kênh, bao ví đất, đắp bờ, làm cỏ, cải tạo đất để canh tác và dần mang lại hiệu quả.
Cuộc sống dần ổn định, có tích luỹ, ông mua thêm 4 công đất, rồi lên liếp, đắp nền nhà, đào ao nuôi cá, trồng cây ăn trái, rau màu. Năm 2006, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông cất được căn nhà trên diện tích 45 m2.
Quanh mảnh vườn của mình, không chỗ nào ông để đất trống. Ông trồng rau màu quanh năm, vừa phục vụ bữa ăn hằng ngày, vừa có thêm tiền chi phí trong nhà.
Tích luỹ, vợ chồng ông đã xây ngôi nhà kiên cố với diện tích 120 m2. Từ hộ khó khăn, giờ đây thu nhập mỗi năm của gia đình gần trăm triệu đồng từ nuôi tôm, cua, cá bống tượng. “Là người lính Cụ Hồ, phải khắc ghi lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế ”, vì thế mình phải tích cực lao động, vượt khó”, ông Hải tâm niệm.
Ông Nguyễn Việt Hải (bên phải) trao đổi kinh nghiệm sản xuất cùng đồng đội của mình.
Ðiều đáng trân quý ở thương binh Nguyễn Việt Hải là suốt 16 năm từ khi lập gia đình, với phần trợ cấp của Nhà nước, ông dành hết để báo hiếu cha mẹ ở quê nhà. Bản thân ông tích cực lao động, không ngại gian khó, khổ cực để lo cho vợ con có cuộc sống ấm no.
Ông Nguyễn Văn Lem, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thành, cho biết: “Ông Nguyễn Việt Hải là tấm gương sáng về lao động và nghị lực vượt khó vươn lên. Dù bị thương tật, mất 1/3 chân phải, nhưng những việc ông làm không thua ai, từ việc nỗ lực phát triển kinh tế đến việc đối nhân xử thế. Ông luôn tích cực, xông xáo, chấp hành tốt các quy định của địa phương, đặc biệt là luôn quan tâm đến những đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ khi họ cần”./.
Theo PHAN THÍA (Báo Cà Mau)