Cà Mau: Người khởi xướng giỏi giang

20/04/2022 - 10:02

Nón, túi xách, bộ bình trà làm từ dây lục bình, dây bồn bồn của Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm (ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Kết quả đó được tạo nên từ sự khéo léo, sáng tạo của phụ nữ và sự tận tâm của người khởi xướng - chị Lê Thị Hồng Phương.

A A

Chị Lê Thị Hồng Phương là người đứng ra thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật vào năm 2016, sẵn sàng cho chị em mượn vốn ban đầu mua vật liệu để kết hoa, kết cườm, thêu tranh bán… Hoạt động của câu lạc bộ đã giúp nhiều phụ nữ kém may mắn, có hoàn cảnh khó khăn tìm được việc làm phù hợp với sức khoẻ, vượt qua mặc cảm và sự tự ti, vươn lên trong cuộc sống. Số lượng thành viên câu lạc bộ tăng nhanh khi cuối năm 2018 chị Phương kết nối với vài doanh nghiệp nhận gia công các sản phẩm bằng lục bình, dây chuối, dây bồn bồn với số lượng lớn.

Với ngón nghề sẵn có, người dân vùng này tiếp tục phát huy sự khéo léo, sáng tạo qua các sản phẩm đan thủ công từ lục bình, bồn bồn.

Tháng 4/2021, Hợp tác xã (HTX) Thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm được thành lập trên nền tảng của Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật. Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, chị Phương luôn năng nổ, linh hoạt tìm đối tác, đơn hàng để chị em có thu nhập ổn định. Từ nguyên liệu do doanh nghiệp cung cấp, đến nay HTX nhận gia công 45 mặt hàng như khay, hộp, chum, rổ, sọt… với nhiều kích cỡ, hình dáng đẹp mắt dùng để đựng đồ dùng trong gia đình, nhà hàng, khách sạn.

Từ nguyên liệu do doanh nghiệp cung cấp, đến nay, HTX nhận gia công 45 mặt hàng như khay, hộp, chum, rổ, sọt… với nhiều kích cỡ, hình dáng đẹp mắt.

Xã Tân Bằng từ lâu nổi tiếng với nghề đan đát truyền thống bằng nguyên liệu tre, trúc. Với ngón nghề sẵn có, người dân vùng này tiếp tục phát huy sự khéo léo, sáng tạo qua các sản phẩm đan thủ công từ lục bình, bồn bồn, tuy đơn giản nhưng bền đẹp, thân thiện với môi trường, vì thế đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Hiện HTX Thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động. Bà Nguyễn Thị Thắm, 73 tuổi, ấp Nguyễn Huế, chia sẻ: “Nghề này dễ học, dễ làm, chỉ cần chịu khó, tỉ mỉ là một ngày có thể kiếm được từ 100.000-150.000 đồng/người. Tôi biết nghề, rồi dạy lại cho các con, cháu cùng làm. Khi có hàng, chúng tôi đến chỗ cháu Phương nhận mang về nhà làm, vừa thuận tiện lo việc gia đình, vừa có thêm thu nhập”.

Ở HTX Thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm có đội kỹ thuật được chị Phương tuyển chọn từ những phụ nữ giỏi nghề, để làm công tác truyền nghề cho chị em nhiều địa phương trong tỉnh, đồng thời hợp tác để mọi người cùng làm, cùng phát triển. Không dừng lại ở các sản phẩm gia công, chị Phương còn cùng chị em nghiên cứu làm nón, giỏ xách, bình hoa, bình trà… giới thiệu trong tỉnh.

Chị Phương đang kết nối đưa sản phẩm của HTX đến với các điểm du lịch trong tỉnh, để tinh hoa của nghề đan truyền thống tiếp tục phát triển.

Chị Phương phấn khởi: “Việc các mặt hàng của HTX được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là cơ hội, động lực để HTX kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh, bày bán sản phẩm làm quà lưu niệm, để tinh hoa của nghề đan truyền thống tiếp tục phát triển trong thời hiện đại”./.

Theo Báo Cà Mau