Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Tại hội nghị, đại biểu được nghe chia sẻ từ Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, với nhiều thông tin mới về KTTT của các tỉnh, thành trong cả nước; đây là bài học quý báu cho các địa phương trong tỉnh phát triển KTTT thời gian tới.
Tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 281 hợp tác xã (HTX) với 4.292 thành viên, trong đó đang hoạt động 247 HTX, tạm ngưng hoạt động 34 HTX; 1 Liên hiệp HTX với 6 HTX thành viên và 59 lao động; 987 tổ hợp tác, với 14.560 tổ viên.
Kinh tế tập thể, HTX luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là cơ sở và lực lượng cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thời gian qua, hoạt động hiệu quả của các HTX đã góp phần hoàn thành tiêu chí số trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, các HTX còn chú trọng bảo vệ môi trường nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Các HTX thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cho thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ.
Thời gian qua, hoạt động hiệu quả của các HTX đã góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hoạt động tại HTX Quyết Thắng, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhìn nhận: “Thời gian qua, chỉ vài HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động tương đối có hiệu quả, còn lại đa số hoạt động chưa như kỳ vọng”.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, thời gian tới, các HTX cần tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), phát triển thêm sản phẩm OCOP; chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh.
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Phát huy vai trò phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh HTX trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển KTTT.
Các sở, ban, ngành khác nghiên cứu, đề xuất thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, dạy nghề, đào tạo cán bộ quản lý HTX, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến nông, khuyến công và chuyển đổi số.
Tổ hợp tác ươm dèo cua giống của đoàn viên thanh niên xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi.
“Liên minh HTX tỉnh thường xuyên khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các HTX để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của HTX, báo cáo UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ cho các HTX phát triển ổn định. Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố củng cố các HTX yếu kém, giải thể các HTX đã ngưng hoạt động. Tổ chức học tập các mô hình hay, hoạt động có hiệu quả, các kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về KTTT ở các tỉnh bạn, nghiên cứu, đề xuất áp dụng vào điều kiện thực tế của tỉnh, giúp KTTT tỉnh có bước phát triển đột phá hơn trong thời gian tới”, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đồng thời chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và có các giải pháp hỗ trợ phát triển KTTT trên địa bàn; thực hiện lồng ghép có hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ phát triển KTTT vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương./.
Theo PHÚ HỮU (Báo Cà Mau)