Cà Mau: Số hoá quản lý khai thác

07/05/2024 - 10:11

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) không ngừng đẩy mạnh số hoá trong quản lý, khai thác thuỷ sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thống kê, kiểm soát tàu cá, chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, chia sẻ: “Sở quan tâm và triển khai từ sớm vấn đề số hoá. Nhiều phần mềm đã được ứng dụng trong công tác quản lý, phục vụ sản xuất, nổi bật như: phần mềm Nông nghiệp Cà Mau; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản eCDT; Blokchain (công nghệ truy xuất thuỷ sản, nhất là tôm - rừng). Ðặc biệt, gần đây ngành triển khai số hoá trong việc quản lý tàu cá nhằm chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, đã đem lại tín hiệu tích cực”.

Hiện nay toàn tỉnh có hơn 4 ngàn tàu cá hoạt động khai thác, trong đó có hơn 1.500 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên. Theo ông Vũ, trước đây ngành chủ yếu quản lý việc khai thác hải sản bằng phương pháp thủ công, vừa mất nhiều thời gian, mà công tác tổng hợp, báo cáo thiếu tính chính xác, chưa đầy đủ. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành có lúc chậm và chưa kịp thời. Khi xảy ra các trường hợp tàu cá mất tín hiệu, mất kết nối ở ngoài khơi, hoặc tàu hết hạn đăng ký, đăng kiểm thì cũng khó xác định phương tiện nằm ở đâu, chủ yếu thông tin chỉ dựa vào cơ sở, địa phương.

"Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung, số hoá kết quả IUU nói riêng đã góp phần không chỉ giảm chi phí về giấy tờ, thủ tục báo cáo mà còn cập nhật tình trạng tàu cá một cách nhanh chóng, kịp thời từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó, lãnh đạo tỉnh có sự chỉ đạo kịp thời, đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh, góp phần đảm bảo công tác quản lý dữ liệu tàu cá, chống khai thác IUU", ông Vũ đánh giá.

Với ứng dụng số hoá dữ liệu IUU, có thể thống kê, cập nhật số lượng tàu cá trong tỉnh về còn hạn, hết hạn giấy phép khai thác/đăng kiểm theo danh mục, địa bàn của từng huyện, từng xã. Thống kê, cập nhật danh sách tàu cá mất kết nối theo danh mục lựa chọn trong bờ, ngoài khơi... Số hoá hồ sơ, văn bản, hình ảnh, toạ độ... đối với các trường hợp tàu cá trễ hạn giấy phép, tàu cá nằm bờ, tàu cá sang bán trong và ngoài tỉnh, tháo thiết bị giám sát hành trình...

Ứng dụng số hoá kết quả IUU góp phần cập nhật tình trạng tàu cá nhanh chóng, kịp thời từ tỉnh đến cơ sở. (Trong ảnh: Tàu cá tại cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời).

Ðồng thời, với ứng dụng này, mọi cấp độ người dùng trên ứng dụng ở các vai trò cấp tỉnh, huyện, xã tham gia quản lý, giám sát, số hoá dữ liệu tàu cá được thực hiện dễ dàng thông qua trình duyệt web trên máy tính hoặc thông qua ứng dụng trên thiết bị di động. Tất cả thông tin sẽ được lưu trữ và phân quyền truy cập tập trung trong ứng dụng theo chức năng của từng đơn vị từ cấp xã đến huyện, thành phố, tỉnh.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã thống kê, xác minh được trên 4 ngàn tàu cá còn hạn giấy phép khai thác, đạt 98,50%; 2.502 tàu cá còn đăng kiểm, đạt 84,76%; 100% tàu cá đang hoạt động được đánh dấu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá.

Ðồng thời, đã xác minh 36 tàu/40 lượt tàu cá mất tín hiệu kết nối ngoài khơi từ 10 ngày trở lên. Lực lượng chức năng tỉnh phát hiện, xử phạt 60 vụ vi phạm về khai thác thuỷ sản với số tiền gần 3 tỷ đồng. 100% vụ việc vi phạm được xử lý và cập nhật vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.

Ngoài ra, đã kiểm soát 4.524 lượt tàu cá cập, rời cảng; sản lượng thuỷ sản qua cảng đạt 8.931 tấn. Từ đầu năm đến nay, tỉnh không có tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Sản lượng thuỷ sản cũng được thống kê bằng các phần mềm số hoá. (Ảnh minh hoạ)

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn triển khai thực hiện Hệ thống truy xuất nguồn gốc thuỷ sản điện tử (eCDT) cho 247 thuyền trưởng/247 tàu cá, nhưng chỉ cài đặt được cho 129 thiết bị/129 tàu cá, số còn lại không thực hiện được do thuyền trưởng không sử dụng điện thoại thông minh hoặc có nhưng sử dụng điện thoại có hệ điều hành không tương thích. Ngoài ra, các cảng cá đã tạo yêu cầu thử nghiệm thành công 46 lượt tàu xuất cảng và 12 lượt tàu cập cảng.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác số hoá của ngành nông nghiệp hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Vũ chia sẻ, hiện nay, ngành nông nghiệp rất cần nguồn lực để chuyển đổi số. Trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn hẹp, mà ngành nông nghiệp là ngành với nhiều lĩnh vực, Sở sẽ chọn những lĩnh vực bức xúc nhất, cần thiết nhất để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền ưu tiên từng bước triển khai số hoá như: số hoá trong công tác phòng, chống thiên tai; phần mềm thống kê các thiệt hại để lãnh đạo tỉnh có thể cập nhật số liệu nhanh chóng, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời khi xảy ra tình huống về thiên tai.

Ðồng thời, ngành sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cấp các trạm đo mưa, trạm giám sát môi trường, cung cấp kịp thời thông tin về môi trường cho người nuôi thuỷ sản, nhất là người nuôi tôm. Từng bước số hoá các công trình thuỷ lợi, kênh, mương, các hệ thống cống để phục vụ công tác quản lý ngành nông nghiệp một cách dễ dàng, thuận lợi. Tranh thủ nguồn lực tiến đến số hoá trong lĩnh vực trồng trọt như: dự báo mùa vụ, thời tiết, thời điểm xuất hiện côn trùng ở từng khu vực sản xuất nông nghiệp, theo đó đưa ra giải pháp phòng trừ, nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành.

"Tiếp tục chú trọng số hoá công tác quản lý khai thác thuỷ sản, góp phần chung vào nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương", ông Vũ nhấn mạnh./.

Theo HỒNG NHUNG (Báo Cà Mau)