Với 2 ha đất sản xuất nông nghiệp, trước đây, anh Thuận chỉ trồng lúa, do chưa tìm được mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn. Năm 2016, anh Thuận tham gia công tác Ðoàn tại địa phương, tiếp xúc với nhiều bạn trẻ năng động, sáng tạo, được tập huấn, tìm hiểu về các mô hình kinh tế mới, hiệu quả trên khắp cả nước. Năm 2017, anh Thuận mạnh dạn triển khai thực hiện mô hình trồng táo trên vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả.
Ban đầu, anh Thuận trồng thử nghiệm 150 gốc táo hồng, do chưa có kinh nghiệm nên chỉ sống 100 gốc. Ra sức chăm sóc, khoảng 6 tháng sau, táo cho vụ trái đầu tiên, anh Thuận thu hoạch bán được 6 triệu đồng. Nhận thấy cây táo có thể phát triển tốt trên vùng đất của gia đình, cũng như cho nguồn thu nhập khá, nên anh Thuận quyết định lên liếp toàn bộ 2 ha đất nông nghiệp để trồng 600 gốc táo hồng.
Anh Thuận chia sẻ: “Mặc dù đã tìm hiểu khá kỹ về đặc tính của cây táo nhưng khi bắt tay thực hiện, tôi cũng không ít lần gặp thất bại, táo cho trái sai nhưng cuối vụ bị nấm và gió rụng rất nhiều. Tôi quyết không bỏ cuộc, tích cực tìm tòi, học hỏi thêm, đến vụ thứ 2, thứ 3 mới thành công. Nay vườn táo nhà tôi cho trái vụ nào là thu hoạch chắc vụ đó”.
Anh Thuận mạnh dạn thực hiện và thành công với mô hình trồng táo trên vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả. Với 600 gốc táo, mỗi năm cho lợi nhuận từ 400-450 triệu đồng.
Theo anh Thuận, mỗi năm táo cho thu hoạch 2 vụ, anh sử dụng phân thuốc vi sinh bón cho cây nên trái rất đẹp và được thị trường ưa chuộng, từ đó đầu ra luôn ổn định, giá bán cũng tương đối cao.
“Mấy năm nay, táo có giá khá cao và ổn định, dao động từ 18-20 ngàn đồng/kg, đặc biệt là năm nay táo luôn ở mức cao, vào cao điểm vụ thu hoạch vẫn giữ được giá 20-22 ngàn đồng/kg. Vụ này tôi thu hơn 12 tấn trái, đến cuối vụ chắc hơn 13 tấn. Với 600 gốc táo này, một năm thu hoạch bán, trừ chi phí, còn lời từ 400-450 triệu đồng”.
Ngoài ra, anh Thuận còn trồng hơn 200 gốc nhãn xuồng, thu hoạch từ 20-30 triệu đồng/vụ; tận dụng đất trống xung quanh bờ liếp trồng 70 gốc dừa xiêm lùn, toàn bộ diện tích mặt nước dưới vườn cây ăn trái để nuôi cá đồng như: thát lát, cá rô, cá lóc, cá trê. Từ mô hình này, mỗi năm mang về cho anh Thuận từ 30-40 triệu đồng. Hiện nay, anh Thuận còn đang thử nghiệm mô hình nuôi cá chốt giấy, nếu hiệu quả anh sẽ nhân rộng.
Anh Phạm Văn Sử, Bí thư Xã đoàn Khánh Hội, nhận xét: “Ðồng chí Thuận không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho một số lao động nhàn rỗi ở địa phương mà còn tích cực học tập và làm theo lời Bác, bằng việc làm thiết thực là hỗ trợ chi phí, tập sách cho 2 học sinh nghèo trong ấp, đồng thời hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm cho bà con nghèo, khó khăn ở địa phương; nhiệt tình tham gia các hoạt động Ðoàn, Hội ở địa phương”.
Trần Minh Thuận là đảng viên gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở địa phương, được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen và bằng khen. Năm 2018, anh được Tỉnh đoàn tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, chứng nhận Thanh niên khởi nghiệp thành công vào năm 2019. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2019-2024. Ðặc biệt, năm 2023, anh được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020-2023.
Theo T.THỂ (Báo Cà Mau)