Cà Mau: Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số

23/07/2024 - 09:01

Thời gian qua, với những giải pháp quan trọng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước hiện đại hoá nền hành chính góp phần vào tính hiệu quả của công cuộc cải cách hành chính, chương trình chuyển đổi số (CÐS) tại Cà Mau có những bước tiến mới. Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, mặc dù tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực cho hoạt động CÐS tại địa phương, nhưng trên thực tế, công tác này vẫn còn những khó khăn nhất định, cần được tháo gỡ.

Những vướng mắc

Ðối với hạ tầng số, những tháng đầu năm nay, tỉnh Cà Mau tiếp tục duy trì hoạt động Mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối đến 100% huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn. Mạng di động 3G/4G đã phủ sóng 100% ấp, khóm trên địa bàn tỉnh. Số lượng thuê bao điện thoại toàn tỉnh là 1.355.335 thuê bao. Số lượng thuê bao Internet của tỉnh là 1.077.868 thuê bao. Dịch vụ truyền hình trả tiền 102.697 thuê bao. Có 1.786 cột ăng ten thông tin di động, trong đó có 297 cột ăng ten sử dụng chung cho nhiều đơn vị (chiếm 16,63% số cột). Số trạm thông tin di động (BTS) trên địa bàn tỉnh là 4.970 trạm. Tỉnh vận hành song song 2 trung tâm dữ liệu chính (DC) và dự phòng (DR). DC được đầu tư xây dựng theo mô hình điện toán đám mây, năng lực lưu trữ 135TB, được triển khai các thiết bị bảo mật đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống như: tường lửa, phòng chống DDoS, tường lửa ứng dụng Web.

Có 16/125 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh (trong đó có 12 cơ sở công lập, 4 cơ sở y tế ngoài công lập) đã triển khai thực hiện thu phí không dùng tiền mặt với các hình thức thanh toán qua máy POS, quét QR-Code, ví điện tử, chuyển khoản qua các ứng dụng mobile banking... (Ảnh chụp tại Bệnh viện Công an tỉnh).

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, chất lượng phủ sóng mạng 3G/4G tại một số địa phương chưa đảm bảo, nhất là ở các huyện có đất rừng. Nguyên nhân, do thủ tục cấp phép xây trạm BTS trên đất rừng còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay toàn tỉnh còn 60 nhà văn hoá khóm, ấp đã có điện lưới quốc gia nhưng chưa có kết nối Internet cáp quang băng rộng.

Trung tâm dữ liệu tỉnh từ năm 2016 đến nay, qua nhiều lần đầu tư nâng cấp, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cung cấp hạ tầng lưu trữ cho phát triển Chính quyền số của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều trang thiết bị đã cũ, hết khấu hao, công nghệ lạc hậu cần được thay thế phù hợp với công nghệ hiện nay.

Tỉnh đã triển khai 13 cơ sở dữ liệu dùng chung và 86 tập dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở được đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu dùng chung của các bộ, ngành, địa phương tại địa chỉ http://danhmuc.data. gov.vn. Thế nhưng, hiện tại dự án xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và Cổng dịch vụ dữ liệu mở (Open Data) chưa được triển khai nên việc tích hợp, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp còn khó khăn, hạn chế.

Dữ liệu tại nhiều cơ quan, đơn vị còn rời rạc, phân tán, chưa được kiểm tra đánh giá chất lượng dữ liệu. Một số cơ quan, đơn vị chưa xác định được hiện trạng nguồn dữ liệu của mình để có định hướng phát triển dữ liệu phù hợp.

Ðối với phát triển kinh tế số, xã hội số, hiện tại tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực chưa đo lường được nên gặp khó khăn trong triển khai nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh. Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy vai trò tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận sử dụng các nền tảng số phục vụ sản xuất, kinh doanh; tuy nhiên, Tổ công nghệ số cộng đồng vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động.

Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, nguồn nhân lực CNTT có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy CÐS trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tuy nhiên hiện tại nguồn nhân lực này đang thiếu về số lượng. Ngoài ra, nguồn nhân lực hiện có thì chưa đáp ứng nhu cầu cho CÐS hiện nay. Nguyên nhân do nhiều cơ quan, đơn vị không có vị trí, biên chế cho nguồn nhân lực CNTT và thiếu chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về phục vụ trong cơ quan Nhà nước.

Thay đổi nhận thức và thói quen

Trong công tác hiện đại hoá nền hành chính, căn cứ Nghị định số 42/2022/NÐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ, quy định việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, tỉnh có 1.184 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt 63,38%; 452 dịch vụ công trực tuyến một phần, đạt 24,20%. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 141.497/175.138 hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến, đạt 80,79% (cấp tỉnh đạt 81,38%, cấp huyện đạt 72,8%, cấp xã đạt 81,63%, không bao gồm hồ sơ nộp trực tuyến của ngành dọc); trong đó, người dân tự thực hiện đạt 50,85%. Số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh đạt 83,50%. Tỉnh có 864 TTHC được kết nối thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; kết quả, toàn tỉnh thực hiện thanh toán trực tuyến đạt 94,82%. Ðặc biệt, tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành sớm việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an, để phục vụ chuyển đổi sang sử dụng VNeID làm tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử, kể từ ngày 1/7/2024. Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Cà Mau hiện nay được thực hiện theo mô hình kết hợp và liên thông, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân khi thực hiện TTHC...

Hiện đại hoá nền hành chính hướng đến tăng hiệu quả phục vụ người dân là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh hướng đến. (Ảnh chụp máy bấm số tự động tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh).

Dù nhiều năm triển khai, nhưng qua thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân hiểu và tự nguyện thao tác khi thực hiện thủ tục chưa cao. Một điều dễ nhận thấy, ngoài trình độ CNTT của người dân còn hạn chế thì thói quen của người dân, doanh nghiệp vẫn muốn đến tận nơi để được hướng dẫn cụ thể.

Rào cản lớn nhất là nhận thức về việc cần áp dụng vào thực tiễn. Muốn phát triển dịch vụ công trực tuyến, đầu tiên công chức, viên chức phải đi đầu thực hiện, mà nhiều người còn chưa rõ, chưa áp dụng và cứ thế làm theo kiểu truyền thống thì khó tác động được đến người dân.

Từ thực tế đặt ra, trong vấn đề này, công tác tuyên truyền cần được chú trọng. Phải làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân khi sử dụng dịch vụ và giao dịch với cơ quan Nhà nước.

Từ kết quả giải quyết thủ tục hành chính (ở 3 cấp đều trên 99%), mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trung bình đạt trên 96,22%. (Ảnh chụp tại bộ phận một cửa UBND huyện Thới Bình).

Có thể thấy, quyết tâm, mục tiêu đã có, điều quan trọng là cách làm. Có nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành những hoạch định trong chương trình chung của CÐS, đòi hỏi cần có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện. Bảo đảm các nguồn lực trong thực hiện, đồng thời tăng cường phối hợp, đồng bộ, chặt chẽ, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã; cũng như phải xác định và tập trung chỉ đạo tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nhất là về hạ tầng công nghệ, nhân lực, dữ liệu, bảo mật an ninh an toàn. Quan tâm và phát huy nhân tố con người, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CÐS tại địa phương./.

Theo VĂN ĐUM (Báo Cà Mau)