Huyện Trần Văn Thời có hệ sinh thái đa dạng, với nhiều giống, loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên thời gian qua, do khai thác chưa đi đôi với bảo vệ nên NLTS trên địa bàn huyện ngày càng cạn kiệt, nhất là nguồn lợi cá đồng ngoài tự nhiên.
Ðể bảo vệ NLTS, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND, ngày 8/1/2024, triển khai đến các ngành, các cấp tăng cường việc quản lý hoạt động khai thác NLTS có tính huỷ diệt, tận diệt trên địa bàn huyện.
Qua tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng, ông Nguyễn Văn Sanh, Ấp 1/5, xã Khánh Bình, thấy được tác hại của việc sử dụng xung điện để xiệt cá và đã tự nguyện giao nộp bộ dụng cụ xung điện cho ngành chức năng. Ông Sanh cho biết: "Trước đây, tôi sắm bộ dụng cụ xiệt điện này để kiếm cá ăn hằng ngày cho gia đình. Sau khi được cán bộ xã, ấp đến tuyên truyền, vận động, tôi thấy việc sử dụng xung điện để xiệt cá sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi cá đồng nên tôi đem giao nộp, và từ đây về sau sẽ không dùng xung điện để đánh bắt cá nữa".
Qua tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng, ông Nguyễn Văn Sanh đã tự nguyện giao nộp bộ dụng cụ xiệt điện cho tổ công tác xã.
Cũng như nhiều bà con, ông Nguyễn Văn Dũng, ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, hiểu về tác hại của việc sử dụng xung điện đánh bắt cá và đồng thuận đối với việc chấm dứt tình trạng khai thác thuỷ sản theo kiểu tận diệt: "Có thể nói, thời gian qua, tình trạng người dân khai thác thuỷ sản theo kiểu tận diệt diễn ra khá phổ biến, nhất là sử dụng xung điện để xiệt cá, làm suy kiệt NLTS ở địa phương mình. Nhà nước vận động người dân giao nộp bộ dụng cụ xung điện, tôi rất đồng tình, việc này nhằm hạn chế nạn xiệt cá bằng xung điện và tiến tới chấm dứt tình trạng này để bảo vệ NLTS".
Cùng ấp Rạch Cui, ông Võ Văn Chấy bày tỏ: "Trước giờ Nhà nước cũng cấm người dân dùng xung điện để xiệt cá, nhưng tôi thấy tình trạng này vẫn còn nhiều. Bởi người này thấy người kia làm thì làm theo, đa số xiệt lén. Lần này, các ngành ở xã, ở ấp tuyên truyền, vận động quyết liệt nên đã có nhiều người tự giao nộp, tôi thấy cũng mừng".
Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp bộ dụng cụ xiệt điện, các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cũng tăng cường công tác theo dõi, tuần tra, kiểm soát, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng xung điện để khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên địa bàn huyện.
Ông Lê Minh Toàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình, cho biết: "Thời gian tới, xã chỉ đạo các tổ công tác lập danh sách, theo dõi chặt chẽ các đối tượng nghi vấn có sử dụng dụng cụ xiệt cá để có biện pháp xử lý. Qua tuyên truyền, vận động, nếu hộ nào không tự giao nộp mà cố tình sử dụng bộ dụng cụ xung điện để xiệt cá, khi bị phát hiện, sẽ cương quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Hiện nay, mực nước trong các sông, rạch thuộc vùng ngọt hoá trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đang xuống rất thấp, công tác kiểm tra, giám sát việc người dân sử dụng xung điện để xiệt cá được đặc biệt quan tâm, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cố tình vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện để xiệt cá như thời gian qua./.
Theo ANH QUỐC (Báo Cà Mau)