Ông Nguyễn Văn Biển, 81 tuổi, ấp Hưng Thành, xã Phú Hưng, hồi tưởng: “Khoảng giai đoạn 1965-1966, cuộc kháng chiến ngày càng cam go, bọn giặc bỏ bom khắp nơi nhằm truy lùng căn cứ cách mạng, đàn áp cuộc kháng chiến của quân ta. Lúc đó, chừng hơn 100 thanh niên ở khắp nơi trong tỉnh tập hợp về địa điểm này thành lập Ðại đội TNXP Nguyễn Việt Khái I. Khi ấy tôi trạc 16, 17 tuổi, thấy nhiều thanh niên tập hợp với tinh thần hăng hái lên đường phục vụ chiến đấu nên tôi cũng hưởng ứng tham gia”.
Ông Nguyễn Văn Biển kể lại những năm tháng gian nan, nguy hiểm của lực lượng TNXP Ðại đội Nguyễn Việt Khái I.
Theo lời ông Biển, khi lên miền Ðông, lực lượng TNXP đảm nhận các phần việc hậu cần là chính, như tải vũ khí, tải lương thực, chuyên chở thương binh..., nhưng vẫn tác chiến khi khẩn cấp. Công việc lúc đó gian nan, nguy hiểm, sự sống và cái chết trong gang tấc, nhưng với lòng yêu nước, vì quê hương, vì sự độc lập của dân tộc mà không một ai chùn bước, nao lòng trước súng đạn kẻ thù.
“Khi cuộc tổng tiến công nổ ra, lực lượng thanh niên cũng trực tiếp xông pha trận đánh, đặc biệt là làm hậu cần như tải vũ khí, thuốc men, tải thương..., nói chung tất cả phục vụ cho cuộc chiến. Cũng vào năm đó, một lần bị giặc bỏ bom gần Sân bay Phú Lợi, tôi bị thương khá nặng. Sau đó lại tiếp tục chiến đấu đến năm 1975 đất nước giải phóng, tôi mới trở về quê hương”, ông Biển chia sẻ.
Cuộc kháng chiến ác liệt, ranh giới giữa sự sống và hy sinh rất mong manh nhưng những TNXP vẫn xung kích tiến lên, hăng hái vì quê hương, đất nước, viết nên những trang sử oai hùng của tuổi trẻ thời chiến.
Cũng là người từng tham gia lực lượng TNXP tại địa điểm này, ông Hồ Văn Tiến (ngụ ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng), Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước xã Phú Hưng, tâm sự: “Lực lượng thanh niên lúc đó ở nhiều nơi về đây thành lập, chứ không phải lực lượng chủ yếu ở địa phương. Giờ ở nơi đây chỉ còn 4 người từng tham gia đại đội TNXP lúc đó thôi. Thanh niên chúng tôi thời ấy, giờ đã là những ông cụ, bà lão hết rồi, người còn, người mất. Tuy là vậy, nhưng hễ gặp nhau là chúng tôi lại nhắc về đại đội TNXP năm xưa, một thời oanh liệt chiến đấu vì quê hương, đất nước. Ðồng thời, kể lại, nhắc nhớ cũng để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, phải nhớ ơn những anh hùng đã ngã xuống bảo vệ nền độc lập dân tộc”.
Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước xã Phú Hưng, từng tham gia lực lượng TNXP thời kháng chiến.
“Ðịa điểm thành lập lực lượng TNXP tại ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, đó là niềm tự hào, trân quý của người dân địa phương. Hiện tại, thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, địa phương sẽ tính toán vị trí, bố trí diện tích đất để công trình di tích này sớm được xây dựng. Công trình sẽ là nơi để các thế hệ sau ghi nhớ, biết ơn thế hệ ông cha đã một thời dâng hiến tuổi thanh xuân vì đất nước; nhắc nhở tuổi trẻ rèn luyện đạo đức, ra sức lao động, học tập, cống hiến sức mình xây dựng quê hương, đất nước”, ông Lê Văn Xía, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hưng, cho biết./.
Theo HẰNG MY (Báo Cà Mau)