Cà Mau: Từng bước đưa chuyển đổi số vào thực tiễn

30/08/2022 - 09:17

Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 26/4/2022, của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Chỉ thị số 02/CT-TTg), tỉnh Cà Mau đã và đang quyết liệt, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số của tỉnh. Song, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cả về nhân lực lẫn vật lực.

Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, về hạ tầng số ghi nhận 167.300 thuê bao băng rộng cố định (cáp quang), tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước; gần 800.000 thuê bao băng rộng di động (3G/4G), tăng 11,3% so với cùng kỳ. 100% cơ quan, đơn vị Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Ðảng, Nhà nước đã kết nối 100% cơ quan cấp xã. Hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng IPv6 cho Cổng thông tin điện tử tỉnh.

Tạo nền tảng số đồng bộ

Trên nền tảng số, tiếp tục được hoàn thiện, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) phục vụ kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh và của quốc gia. Cơ sở dữ liệu số của cán bộ công chức, viên chức đã có 27.000 hồ sơ; cơ sở dữ liệu số hoá về hồ sơ lưu trữ có hơn 400.000 trang tài liệu lưu trữ được số hoá vào phần mềm.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) đã triển khai trên 655 cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh với gần 11.000 tài khoản người dùng. Tổng số chữ ký số chuyên dùng (CKS) hiện đang sử dụng tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh là 1.733 (311 CKS tổ chức, 1.422 CKS cá nhân, trong đó có 114 CKS được tích hợp lên SIM PKI), tăng 592 CKS so với năm 2021.

Cùng với đó, để phục vụ người dân và doanh nghiệp, đã công khai 1.974 thủ tục hành chính cấp tỉnh, trong đó cung cấp dịch vụ công mức độ 3: 92 thủ tục; mức độ 4: 254 thủ tục; đảm bảo 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (công bố theo Quyết định số 2500/QÐ-UBND, ngày 16/11/2021). Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến là 53,74% so với tổng số dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 2500/QÐ-UBND, đạt so với mục tiêu 50%.

Thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa chưa đạt mục tiêu đề ra. (Ảnh chụp tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh).

Kinh tế số cũng từng bước đẩy mạnh nhiều ứng dụng trên các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, thương mại, du lịch, y tế. Ðã triển khai tạo lập hồ sơ sức khoẻ điện tử cho 1.187.606 người dân, chiếm 91% dân số tỉnh; triển khai thí điểm hệ thống đặt lịch, tư vấn, khám chữa bệnh từ xã cho 14 đơn vị (gồm bệnh viện, trung tâm y tế), có trên 1.282 lượt đăng ký.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn thông tin (ATTT), 8 tháng qua, Hệ thống giám sát ATTT cho Trung tâm Dữ liệu tỉnh đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời hơn 61.585 cuộc tấn công. Phần mềm phòng, chống mã độc quản lý tập trung đã triển khai cài đặt cho 3.600 máy tính tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ðã phát hiện 124 máy tính bị lây nhiễm mã độc và xử lý xoá bỏ khỏi hệ thống hơn 23.039 mã độc.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã thực hiện chưa tốt CKS trong phát hành văn bản đi trên hệ thống iOffice; cụ thể: có 53/104 phòng, ban cấp huyện và 45/101 đơn vị cấp xã có tỷ lệ văn bản đi ký số dưới 50%. Các huyện có phòng, ban, xã đạt tỷ lệ thấp như: Ðầm Dơi (chiếm 78% đơn vị), Thới Bình (75% đơn vị), Cái Nước (68% đơn vị).

Nhiều đơn vị thực hiện chưa đạt mục tiêu 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tình hình thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa chưa đạt mục tiêu đề ra (cấp tỉnh: 23,08%/50%; cấp huyện: 11,19%/40%; cấp xã: 2,29%/35%).

Nhiều đơn vị thực hiện chưa đạt mục tiêu 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. (ảnh minh hoạ)

Ông Trần Quốc Chính cho hay: “Tình hình sử dụng CKS cá nhân tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã rất thấp. Hầu hết không sử dụng hoặc có sử dụng nhưng không thường xuyên. Do không sử dụng nên một số chữ ký cá nhân quên gia hạn theo quy định, dẫn đến bị khoá phải làm thủ tục thu hồi và đăng ký sử dụng lại. 8 tháng, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ đạt 37%, vẫn chưa đạt so với mục tiêu của Chính phủ 80%. Tỷ lệ này phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, do đó có thể không đạt mục tiêu đề ra đến cuối năm”.

Huyện Thới Bình là một trong những địa phương có tỷ lệ sử dụng CKS thấp. Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện, thông tin: “Ðối với các tài khoản CKS, việc đề nghị gia hạn lại hay đối với một số đồng chí thay đổi chức danh thì mất rất nhiều thời gian. Ðơn cử như đối với tôi, xin gia hạn lại từ giữa năm 2021 nhưng đến nay chưa có. Cần có giải pháp tháo gỡ vấn đề này”. 

Ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, chia sẻ: “TP Cà Mau cũng như các huyện tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến khá thấp. Dù đã tuyên truyền rất nhiều, thậm chí có cả bộ phận một cửa trực hướng dẫn người dẫn, nhưng khi đến lần thứ 2 vẫn thực hiện bằng hình thức trực tiếp. Do vướng nhiều yếu tố kỹ thuật, nên rất khó đạt theo chỉ tiêu giao thực hiện năm 2022”.

Ông Lê Tuấn Hải kiến nghị, chuyển đổi số ở từng ngành, từng lĩnh vực phải bắt đầu từ cấp cao nhất, cấp Trung ương đến địa phương. Do vậy, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho các cấp, phải đồng bộ để cấp huyện, thành phố triển khai phù hợp với cái chung đó.

Ngoài ra, về yếu tố khách quan, các bộ, ngành Trung ương chậm triển khai, hướng dẫn đối với những công việc mới về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ chuyển đổi số giao thực hiện trong năm khá nhiều nhưng địa phương không được hỗ trợ kinh phí. Ðiều này gây khó khăn cho địa phương trong việc bố trí kinh phí thực hiện.

"Ðiều quan trọng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin hỗ trợ chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị còn thiếu, chưa có vị trí việc làm để bố trí, tuyển dụng nguồn nhân lực này. Ðây cũng là khó khăn chung của nhiều cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Ngoài ra, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoặc phụ cấp cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số để kịp thời khuyến khích, nâng cao chất lượng, phục vụ hiệu quả công tác chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị", ông Trần Quốc Chính cho biết thêm./.

Theo Báo Cà Mau