Ông Ngô Thanh Gô, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực IV, cho biết: “Ðến thời điểm này, số thu ngân sách của huyện U Minh cơ bản đạt theo tiến độ kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, địa phương không có nguồn thu đột biến, nguồn thu từ đất đai giảm, kéo một số nguồn khác cũng giảm theo”.
Năm 2024, dự toán thu ngân sách giao huyện U Minh 60 tỷ đồng. Tính đến nay, huyện thu được 47,7 tỷ đồng, đạt 79,5%; ước 9 tháng năm 2024 thu 50 tỷ đồng, đạt 83,3% dự toán năm, so với cùng kỳ (thu 40,5 tỷ đồng) đạt 123,6%.
Trong đó, có 4/6 nguồn thu đạt theo tiến độ (thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất, phí và lệ phí, thu khác ngân sách). Cụ thể, nguồn thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh giao 20 tỷ đồng, ước thực hiện đến 30/9 thu trên 17 tỷ đồng, đạt 85,25%; thu khác ngân sách 12 tỷ đồng, đạt 109,09%...
Từ nay đến cuối năm, ngành thuế huyện U Minh sẽ tăng cường khai thác các nguồn thu lĩnh vực cát, đá, các dự án, các nguồn còn tiềm năng trên địa bàn, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách năm 2024.
Ông Ngô Thanh Gô đánh giá: “Tuy số thu ngân sách đạt được kết quả thiết thực, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu. Trong đó, chủ yếu do tình hình kinh tế - xã hội còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường, kéo theo tình hình sản xuất, kinh doanh của một số cơ sở trên địa bàn có dấu hiệu đi xuống. Tình trạng ngưng, nghỉ, giải thể doanh nghiệp (DN) phát sinh tăng. Một số DN có doanh thu cao, đóng góp số thuế lớn cho ngân sách hằng quý, năm nay cũng gặp khó khăn, khai thuế giảm, chưa nộp kịp số thuế kê khai, gia hạn vào ngân sách Nhà nước, do gặp khó khăn về tài chính, giải ngân vốn chậm. Ðối với các công ty ngành nghề xây dựng chưa có nguồn tiền để nộp thuế gia hạn. Một số chính sách tác động làm ảnh hưởng đến tình hình thu, giảm nguồn thu".
Ngoài ra, Chi cục Thuế khu vực IV đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế nợ đối với một số công ty, DN đến hạn phải cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn, nhưng đến nay vẫn không chấp hành. Những trường hợp nợ thuế chây ỳ, dây dưa kéo dài nhiều tháng, mời đến làm việc thì không đi, khi đoàn liên ngành đến cơ sở làm việc vận động nộp thì không hợp tác, một số trường hợp khi tổ xử lý nợ đến làm việc có cam kết nộp nợ, nhưng chưa chấp hành.
Công tác kiểm tra tại trụ sở hộ kê khai mở sổ sách kế toán còn gặp khó khăn, chưa có quy trình thực hiện. Ðã ban hành quyết định kiểm tra nhưng không nhập được vào ứng dụng, nhật ký điện tử để theo dõi, báo cáo.
Bên cạnh đó, huyện còn có 2/6 nguồn thu đạt thấp như thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ. Trong đó, thuế thu nhập cá nhân ước 9 tháng thu được 5,8 tỷ đồng, đạt 63,04% dự toán; lệ phí trước bạ thu 6,6 tỷ đồng, đạt 68,42%.
Ông Gô nhận định, nguồn thu thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ có sự tương quan, bởi liên quan đến vấn đề chuyển nhượng bất động sản (BÐS). Với tình hình này, khả năng từ nay đến cuối năm, hai nguồn này không đạt, vì giá chuyển nhượng BÐS gửi đến cơ quan thuế chưa sát với giá thị trường, do người chuyển nhượng đất khai giá thấp hơn thực tế, chưa có cơ sở để đấu tranh (Chi cục Thuế chỉ mời lên tuyên truyền, đấu tranh để tự khai lại cho sát giá thực tế, cho làm cam kết sẽ hậu kiểm). Hiện nay, hồ sơ chuyển nhượng BÐS khi mời cho cam kết xét thấy còn rủi ro về thuế, chuyển tổ kiểm tra hậu kiểm, nhưng chưa phối hợp để thực hiện được, do các quy định về Luật Công chứng và quy định về bí mật tài khoản ngân hàng...
Tuy nhiên, cũng theo ông Gô, địa phương còn có 2 nguồn đạt cao, đó là nguồn thu khác ngân sách tăng chủ yếu từ phạt an toàn giao thông và nguồn thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, tăng hơn 4 tỷ đồng do một số DN kê khai bổ sung đầu vào. Ðịa phương sẽ cố gắng khai thác các nguồn thu này và các nguồn còn tiềm năng khác, để bù vào nguồn thu thiếu hụt, góp phần đảm bảo dự toán được giao.
Ðể làm được điều này, từ nay đến cuối năm, ngành thuế huyện U Minh sẽ tăng cường cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ người nộp thuế, nhất là đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn để DN và người dân có ý thức đồng hành cùng ngành thuế, nộp đúng, đủ vào ngân sách Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, truy thu các khoản kê khai, kịp thời nộp vào ngân sách Nhà nước. Ðồng thời, đẩy mạnh khai thác chống thất thu tập trung trên lĩnh vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh, trong đó chủ yếu là ngành nghề khai thác cát, đá, sỏi, để các DN kê khai đúng quy định.
"Ngoài ra, ngành thuế huyện sẽ tăng cường công tác quản lý nợ, cưỡng chế người nộp thuế theo đúng quy định. Hiện nay, còn một số trường hợp nợ thuế của các công ty, DN đến hạn nợ phải cưỡng chế. Cương quyết từ nay đến cuối năm, bằng mọi giải pháp, ngành thuế huyện U Minh sẽ tạo mọi nguồn lực, đáp ứng các chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024 theo tiến độ đề ra", ông Gô quyết tâm./.
Theo PHI LONG (Báo Cà Mau)