Ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: “Nghị quyết 04 đặt ra nhiều thể chế pháp lý. Lãnh đạo tỉnh mong muốn các ngành, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa rủi ro là nhiệm vụ trọng tâm, chứ không phải là công tác xử lý vi phạm. Do đó, với mục tiêu đẩy nhanh công tác tuyên truyền để chủ động phòng ngừa, toàn tỉnh phải huy động cả hệ thống chính trị, áp dụng nhiều giải pháp để triển khai thực hiện, nhằm tác động, thay đổi nhận thức, thói quen của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh”.
Thể chế pháp lý đã nâng mức hình phạt đối với các hành vi vi phạm. Cụ thể, tại Ðiều 8 của Nghị quyết 04 nêu rõ sẽ TCTNHS đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm KTTS trái phép, là tháo gỡ, tàng trữ, vận chuyển từ 2 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác trở lên; xoá, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu hoặc gây rối loạn hoạt động của thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Hay tại Ðiều 5 nêu rõ sẽ TCTNHS đối với hành vi khai thác vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
“Người dân chỉ cần một vi phạm thì có khả năng sẽ bị phạt tù và tài sản cũng bị tịch thu”, ông Sử thông tin.
Thượng tá Trương Bảo Xuyên, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, bên cạnh các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy BÐBP đã triển khai trước một bước cho các đơn vị tập trung quán triệt các quy định của pháp luật. Về triển khai Nghị quyết 04, Bộ Chỉ huy BÐBP đã xây dựng tài liệu tuyên truyền, quán triệt cho toàn thể cán bộ, bộ đội; đồng thời, tuyên truyền trực tiếp cho các đối tượng, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao khai thác, vận chuyển trái phép thuỷ hải sản, tiến hành cho các đối tượng ký cam kết không vi phạm. Các đồn biên phòng đã chỉ đạo các trạm biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp đến ngư dân trên địa bàn quản lý”.
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Tam Giang Tây xuống địa bàn nắm bắt tình hình đời sống, sản xuất của người dân, đồng thời kết hợp tuyên truyền về những quy định của pháp luật trong khai thác thuỷ hải sản.
Toàn tỉnh hiện có 10 trạm kiểm soát biên phòng và thành lập thêm 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có trạm kiểm soát biên phòng, đảm bảo 100% tàu cá xuất, nhập bến đều được theo dõi, giám sát 24/7. Tỉnh tập trung quản lý, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đến nay toàn tỉnh có 1.529/1.530 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,9%. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 vụ/22 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ; xử lý 346 vụ vi phạm các quy định về khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt (các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng công cụ kích điện khai thác nguồn lợi thuỷ sản trái phép).
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Năm Căn kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh xác định, để triển khai thực hiện Nghị quyết 04 cần xác định về phương pháp tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền. Theo Thượng tá Trương Bảo Xuyên, nên tập trung vào khu vực biên giới biển và các chủ phương tiện, ngư phủ, đặc biệt là thuyền trưởng.
“Các đơn vị đã triển khai tuyên truyền với mô hình Tiếng loa biên phòng. Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền được sâu rộng hơn, tôi đề nghị các địa phương có biện pháp triển khai tuyên truyền trên các loa truyền thanh của huyện, xã đến từng ngõ, từng ấp. Ðặc biệt là tuyên truyền vào thời điểm ghe tàu vào bờ. Có như thế các đối tượng cần tuyên truyền mới tiếp cận được thông tin”, Thượng tá Trương Bảo Xuyên đề nghị.
Ðồn Biên phòng Khánh Hội tổ chức phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền cho ngư phủ.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho cuộc ra quân tuyên truyền về Nghị quyết 04, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nhận hơn 10 ngàn tờ rơi, tờ gấp và sẽ triển khai đến các địa phương trong thời gian sớm nhất. Riêng các trạm kiểm soát thuộc các đồn biên phòng sẽ nhận 1.500 tờ để cấp phát, tuyên truyền cho các phương tiện khi ra vào cửa. Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, chia sẻ: “Ðối với các tờ rơi, tờ gấp, ngoài cấp phát cho thuyền viên, thuyền trưởng và chủ phương tiện thì nên dán cố định trên các phương tiện tàu cá, chỗ dễ nhìn thấy... để ngư phủ, thuyền trưởng dễ dàng nhìn thấy và nhắc nhở bản thân phải thực hiện”.
Ðể chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, Cà Mau tiếp tục triển khai các mặt công tác vừa đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện về chống khai thác IUU, vừa xác minh làm rõ các trường hợp tàu cá hết hạn chưa đăng ký, đăng kiểm. Ðồng thời, đẩy mạnh triển khai sâu rộng tuyên truyền về những quy định của Nghị quyết 04 đến từng người dân, trước mắt là chung tay tháo gỡ “thẻ vàng”, về lâu dài kiến tạo lại nền thuỷ sản mang tính bền vững trên vùng biển Cà Mau.
Nghị quyết 04 bao gồm 11 điều, hướng dẫn 10 điều của Bộ luật Hình sự, trong đó có 8 điều liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự (TCTNHS): TCTNHS đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thuỷ sản (KTTS) trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; TCTNHS đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân KTTS trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; TCTNHS đối với hành vi KTTS vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; TCTNHS đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm; TCTNHS người nước ngoài về hành vi đưa tàu cá KTTS trái phép tại vùng biển Việt Nam; TCTNHS đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm KTTS trái phép; TCTNHS đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thuỷ sản; TCTNHS đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thuỷ sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thuỷ sản.
Theo KIM CƯƠNG (Báo Cà Mau)