Căn cứ Tỉnh ủy Kiến Tường - Căn cứ của lòng dân

24/10/2022 - 14:47

Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kiến Tường tại xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, là khu di tích lịch sử duy nhất của huyện, nơi thành lập và cũng là địa điểm đóng căn cứ lâu nhất của Tỉnh ủy Kiến Tường lúc bấy giờ. Đó cũng được mệnh danh là căn cứ của lòng dân.

A A

Đồng lòng trong kháng chiến

Đồng Tháp Mười xưa vốn là vùng đất hoang vu, rừng tràm và sông ngòi chằng chịt, từng là vị trí chiến lược, căn cứ địa vang danh cả nước, nơi đóng quân những cơ quan đầu não của chính quyền kháng chiến Nam bộ.

Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kiến Tường thuộc địa phận ấp Mây Rắc, nằm khá sâu bên trong xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, gần biên giới Campuchia, có thể tiếp cận cả bằng đường bộ lẫn đường thủy. Có lẽ, chính sự đắc địa đó mà vùng đất hoang hóa giữa rừng tràm một thời của Bình Thạnh trở thành căn cứ lâu nhất của Tỉnh ủy Kiến Tường.

100% đường xã tại Bình Thạnh được nhựa hóa

Tỉnh ủy Kiến Tường được thành lập năm 1957, khi ta tách Kiến Tường ra khỏi Tân An, thành lập tỉnh mới với 4 vùng: Vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4 để tương thích với sự phân chia địa giới hành chính của địch. Tại căn cứ, Tỉnh ủy tổ chức các cuộc hội nghị, đề ra chủ trương, nghị quyết đúng đắn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng.

Từ khi thành lập, đảng bộ, dân và quân Kiến Tường đã đoàn kết chống lại các sách lược dã man, tàn bạo của kẻ thù, xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng cơ sở cách mạng,... Từ cuối năm 1958, ta đã phá được kìm kẹp và làm tan rã nhiều tổ chức của địch. Cuối năm 1959, Tỉnh ủy Kiến Tường tổ chức hội nghị đề ra chủ trương “Lấy tấn công quân sự làm đòn xeo, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, giải tán tề ấp, tề xã và các khu dinh điền, khu trù mật, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng nông thôn giải phóng”.

Từ đó, phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang tại Kiến Tường ngày càng phát triển. Khi phong trào Đồng Khởi nổ ra, Tỉnh ủy Kiến Tường vận động nhân dân đi tiếp lương thực, tải đạn, chuyển vũ khí,... để phát triển lực lượng vũ trang. Hàng ngàn người dân đồng loạt đi theo ngọn cờ của Đảng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Kiến Tường. Lực lượng ta giải phóng gần hết vùng 4 (tức quận Kiến Bình) với gần 20 ngàn dân.

Giữa năm 1961, Mỹ - Diệm tiến hành gom dân lập ấp chiến lược. Chúng tổ chức các trận càn vào căn cứ của ta, gây nhiều khó khăn cho lực lượng ta. Năm 1962, Tỉnh ủy lãnh đạo toàn dân đánh giặc, phá ấp chiến lược và chống càn quét. Nhân dân một lòng ủng hộ, cùng nhau nổi dậy, phối hợp 3 mũi giáp công: Chính trị, vũ trang, binh vận. Cuối năm 1963, quốc sách ấp chiến lược của Mỹ ngụy bị “phá sản”.

Từ năm 1963, do đặc điểm tình hình, Tỉnh ủy Kiến Tường nhiều lần thay đổi địa điểm đóng quân đến các khu vực khác nhau nhưng khu căn cứ tại Bình Thạnh vẫn là nơi đóng quân lâu nhất, là minh chứng rõ ràng nhất cho việc căn cứ Tỉnh ủy Kiến Tường chính là căn cứ của lòng dân. Hồ sơ di tích có đoạn chép: “Trong suốt những năm đánh Mỹ, nông dân Kiến Tường đã không tiếc công sức, của cải, xương máu, sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả tính mạng mình để bảo vệ, che chở, nuôi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, lực lượng vũ trang,...”(*).

Đoàn kết xây dựng quê hương

Trong công cuộc xây dựng quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mộc Hóa tiếp tục đoàn kết, cùng nhau nâng cao chất lượng cuộc sống người dân từ vật chất đến tinh thần. Sau 10 năm chia tách huyện, Mộc Hóa từ một huyện đường giao thông lầy lội, không có xã văn hóa, đời sống người dân nhiều khó khăn, nay đã đổi thay vượt bậc. Đường từ huyện đến các xã được mở rộng và trải nhựa. 6/6 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (NTM). Xã Bình Hòa Trung đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) và đang từng bước tiến lên NTM nâng cao.

Trường học trên địa bàn xã Bình Thạnh đạt chuẩn quốc gia

Đặc biệt, xã biên giới Bình Thạnh (nơi có Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kiến Tường) chuẩn bị trở thành xã thứ 2 trong huyện đạt chuẩn NTM. Hiện xã đạt 18/19 tiêu chí NTM, đời sống người dân được nâng lên về mọi mặt. Thu nhập bình quân đạt 64,3 triệu đồng/người/năm. 100% đường trục xã được nhựa hóa, 100% đường trục ấp được cứng hóa, bảo đảm đi lại thuận tiện quanh năm. Hộ dân sử dụng điện trên địa bàn xã đạt 98%. 2 trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - Nguyễn Thành Phuông cho biết: “Dự kiến năm 2023, Bình Thạnh sẽ hoàn tất 19/19 tiêu chí xã NTM. Thành quả đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy, UBND huyện, sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, sự điều hành quyết liệt của chính quyền và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã”.

Từ những năm tháng kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Kiến Tường - Mộc Hóa luôn thể hiện tinh thần bất khuất trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần đó vẫn tiếp tục được phát huy trong giai đoạn hiện nay. Để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống cha anh, việc đầu tư xây dựng Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kiến Tường là cần thiết. Hy vọng rằng, quy hoạch xây dựng Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kiến Tường sẽ sớm được triển khai, thực hiện./.

Theo Báo Long An