Phát triển, nhân rộng
Theo Phòng Kinh tế quận Cái Răng, hiện quận có 5 HTX nông nghiệp, 45 THT, trong đó có 17 THT hoạt động có hiệu quả, như chanh không hạt (Thường Thạnh), THT nuôi lươn không bùn, THT nuôi ốc bươu (Hưng Thạnh), THT sản xuất trồng cây ăn quả (Phú Thứ)… giải quyết khoảng 245 lao động, các sản phẩm cung ứng ra thị trường là các loại rau màu, cây ăn trái, cung cấp cây giống…
Nuôi lươn không bùn chuẩn VietGAP tại THT Nuôi lươn không bùn phường Phú Thứ.
Ông Đặng Hoàng Quân, Chủ tịch Hội Nông dân quận Cái Răng, cho biết: Các mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả kinh tế có thể kể đến như trồng cây ăn trái, trồng tre Tứ Quý, trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rau trong nhà lưới giá rẻ… Năm qua, Quận Hội chỉ đạo các hội cơ sở tập trung nguồn lực hỗ trợ các mô hình nổi bật tại địa phương; chú trọng xây dựng THT và tổ hội nghề nghiệp để tập hợp những hội viên có cùng sở thích, cùng ngành nghề. Qua đó, hỗ trợ các hội viên nông dân vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng sản xuất, dịch vụ. Năm qua, Hội Nông dân quận Cái Răng thành lập 9 THT, có 49 thành viên tham gia. Trong đó, nổi bật là mô hình tàu đưa rước khách trên sông của phường Lê Bình và 2 mô hình trồng tre Tứ Quý tại phường Tân Phú.
Tại các phường, với sự trợ lực kịp thời từ phía Nhà nước, các mô hình kinh tế tập thể ngày càng phát triển lớn mạnh. Bà Lưu Thị Kim Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thường Thạnh, cho biết: Trong năm 2023, Hội Nông dân phường chủ trì, hỗ trợ xây dựng và ra mắt THT trồng sầu riêng phường Thường Thạnh với 7 thành viên tham gia, diện tích 5,6ha. Thông qua các mô hình kinh tế tập thể, nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi. Điển hình như nuôi lươn không bùn khu vực Thạnh Huề, Thạnh Hưng với 6 thành viên, diện tích 1.100m2, quy mô 132.000 con/năm; nuôi cá thát lát mật độ cao trong lồng tại khu vực Thạnh Thắng; mô hình THT cây ăn trái; THT mít thái… Năm qua, Hội còn hướng dân, hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho mô hình nuôi cá thát lát thương phẩm, diện tích 5.000m2 của hộ Nguyễn Thúy Phượng, khu vực Thạnh Thắng; mô hình nuôi lươn không bùn hộ Nguyễn Ngọc Lành, khu vực Thạnh Huề, diện tích 180m2…
Nâng chất kinh tế hợp tác
Hiện Cái Răng đã xây dựng vùng trồng rau chuyên canh, sản xuất theo công nghệ cao, an toàn thực phẩm tại phường Hưng Thạnh; vùng nuôi thủy sản tại phường Thường Thạnh; mô hình nhà lưới công nghệ cao ở phường Thường Thạnh và Hưng Phú. Đây là nền tảng hình thành và phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Qua đó, phát huy hiệu quả là nơi gắn kết nông hộ cùng nhau chia sẻ, học tập kinh nghiệm và liên kết tìm đầu ra cho nông sản. Kinh tế hợp tác cũng tạo điều kiện để sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Hôm chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lươn không bùn của ông Huỳnh Văn Mười, Tổ trưởng THT Nuôi lươn không bùn phường Phú Thứ cũng là dịp mô hình nhận được chứng nhận VietGAP và vừa chốt hợp đồng bao tiêu toàn bộ lươn với Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa. Ông Huỳnh Văn Mười, chia sẻ: “Công ty ký hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn thị trường 10.000 đồng/kg. Hiện giá đang ở mức 60.000 đồng/kg, nếu vào dịp Tết giá thị trường tăng, công ty thu mua tăng theo và vẫn cao hơn 10.000 đồng/kg tại thời điểm đó. Giá bao tiêu hấp dẫn nhưng làm ăn với doanh nghiệp là phải uy tín, tuân thủ hợp đồng chặt chẽ vì sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài đòi hỏi rất khắt khe. Ngoài yêu cầu về chứng nhận VietGAP, công ty còn thu mẫu lươn để kiểm định các chỉ tiêu về dư lượng kháng sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm mới ký hợp đồng”.
Theo bà Lưu Thị Kim Hoàng, năm 2024, Hội Nông dân phường đẩy mạnh vận động hội viên, nông dân thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Đồng thời, đề xuất thực hiện các mô hình, THT sản xuất nông nghiệp, các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp theo nhu cầu và kế hoạch phát triển kinh tế địa phương. Phối hợp với UBND phường, Trạm Khuyến nông, Trạm Thủy sản quận hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp cho các hội viên nông dân có nhu cầu.
Năm 2024, quận Cái Răng xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững. Ông Trần Vũ Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế quận Cái Răng, cho biết: Phòng Kinh tế tiếp tục định hướng, hỗ trợ các phường phát triển mô hình kinh tế hộ gắn phát triển du lịch sinh thái; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản đặc trưng. Đồng thời, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; tiếp cận các giống cây trồng, vật nuôi mới để nâng dần khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Đối với các HTX nông nghiệp, quận tiếp tục triển khai tuyên truyền về Luật HTX, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển HTX; hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng cho người làm nông nắm vững khoa học, kỹ thuật, làm chủ được quá trình sản xuất sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với Liên minh HTX thành phố, các phường thành lập thêm THT, HTX trên địa bàn để phát huy hơn nữa vai trò kinh tế hợp tác trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)