Cần Thơ: Khơi dậy niềm đam mê sáng tạo

03/11/2023 - 15:08

Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ lần thứ 12 năm 2023, thu hút 553 hồ sơ (HS) dự thi. Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, các đề tài tham gia dự thi có chất lượng tốt, vừa sáng tạo, vừa có tính khả thi, giải quyết những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Đây cũng là sân chơi học thuật khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh.

A A

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trao Bằng khen cho các thí sinh/nhóm thí sinh đạt giải Nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ lần thứ 12 năm 2023.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố (đơn vị Thường trực Ban Tổ chức cuộc thi), Ban tổ chức cuộc thi nhận được 553 HS dự thi cấp cơ sở. Trong đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện tiếp nhận 520 HS từ học sinh khối tiểu học và THCS; Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố nhận 33 HS từ học sinh khối THPT. Các Hội đồng cơ sở tuyển chọn 120 HS tham gia dự thi cấp thành phố (tăng 11 HS so với năm 2022). Qua 12 lần tổ chức, cuộc thi trở thành phong trào thu hút nhiều học sinh tham gia. Riêng năm 2023, các thí sinh có nhiều ý tưởng, giải pháp vừa có tính sáng tạo, vừa có tính ứng dụng cao. Các đề tài gắn với các kiến thức học tập ở trường, hoạt động trải nghiệm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe và lao động sản xuất.

Hội đồng chung khảo đã xét chọn trao giải cho 39 đề tài, sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Trong đó, có nhiều đề tài ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ học tập như các phần mềm: “Một chạm để kết nối với lịch sử”, “Hiểu về trái tim”, “Bộ thí nghiệm điện từ học”, đến những sản phẩm bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe như: “Sử dụng lá sen để làm tranh”, “Hospital Bed”. Hay như sản phẩm “Kẹo trị ho dược liệu thiên nhiên” của Phạm Huỳnh Thiên Bảo, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Châu Văn Liêm (quận Ô Môn) là 1 trong 5 giải Nhất của cuộc thi. Bảo chia sẻ: “Khi học tập, em được thầy cô hướng dẫn và biết được trái tắc có nhiều loại vitamin cùng các hoạt chất: flavonoid, phytosterol và các loại tinh dầu (Alpha- Pinene). Cây cần dày lá (húng chanh) có chứa hoạt chất cavacrol, thymol. Củ gừng có tinh dầu linalol. Các hoạt chất này kết hợp lại có thể ứng dụng để làm dược liệu trị ho, bổ phế, tan đàm và còn có công dụng giảm stress, kháng viêm, chống độc. Vì thế, em đã nghiên cứu sâu hơn và tạo ra sản phẩm kẹo trị ho dược liệu thiên nhiên”. Ưu điểm của loại kẹo này là chiết xuất hoàn toàn thiên nhiên, có thể tác dụng trị ho, tiêu đờm, bổ phế, còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho người dùng, giảm tình trạng lạm dụng kháng sinh do dùng hóa dược. Kết quả thử nghiệm đã được kiểm định xác định trong sản phẩm này còn có những loại tinh dầu giúp làm giảm stress.

Trong lĩnh vực đồ dùng học tập, phần mềm “Hiểu về trái tim” của Nguyễn Nhật Quang Vinh, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (quận Cái Răng) xuất sắc đạt giải Nhất. Phần mềm gồm các trò chơi giúp học sinh vừa giải trí vừa tìm hiểu về lịch sử quê hương đất nước, nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của đất và người Cần Thơ. Được sự hỗ trợ của giáo viên, Vinh nghiên cứu và thiết kế phần mềm gần 5 tháng, trong đó công phu nhất là tìm hiểu về thông tin lịch sử - văn hóa địa phương để tích hợp vào các trò chơi, trải nghiệm ảo trên phần mềm. Đây cũng là cơ hội để học sinh này hiểu thêm về lịch sử - văn hóa địa phương, nâng cao kiến thức và kỹ năng về thiết kế phần mềm.

Không riêng 2 học sinh trên, các thí sinh tham gia cuộc thi còn được chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan tư vấn, định hướng để hoàn thiện ý tưởng, đề tài. Đồng thời, nâng cao kỹ năng thuyết trình, tự tin hơn trong giao tiếp và hình thành tư duy phản biện khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, cuộc thi năm nay được quan tâm đầu tư cả về ý tưởng và thực hiện mô hình, vì thế chất lượng ngày càng được nâng cao. Đồng thời, yêu cầu Thường trực Ban tổ chức cuộc thi phối hợp các cấp, các ngành và tổ chức Đoàn tăng cường kết nối các đề tài, mô hình đạt giải với các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài thành phố để đưa sản phẩm vào thị trường. Để cuộc thi năm 2024 tiếp tục đạt hiệu quả, các đơn vị, địa phương cần tạo điều kiện, hỗ trợ học sinh phát triển ý tưởng, mô hình sáng tạo; quan tâm phát động cuộc thi trong học sinh, sinh viên khối các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề; không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng cuộc thi gắn với hoạt động ươm mầm tư duy sáng tạo để phát triển các sản phẩm, mô hình tiềm năng phục vụ sản xuất và đời sống.

Theo QUỐC THÁI (Báo Cần Thơ)