Cần Thơ: Lan tỏa hành động nhân ái

30/12/2022 - 09:32

Với thông điệp “Cho đi là còn mãi”, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trên địa bàn thành phố đã chủ động tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích nhân đạo của hoạt động hiến mô, hiến tạng và bộ phận cơ thể người. Qua đó, tác động đến suy nghĩ và hành động của nhiều người đối với việc làm ý nghĩa này.

Lãnh đạo Hội CTĐ TP Cần Thơ khen thưởng các tình nguyện viên đăng ký hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người.

Hội CTĐ huyện Cờ Đỏ vừa tổ chức trao 8 thẻ chứng nhận, gồm 4 thẻ hiến mô, tạng và 4 thẻ hiến xác, cho hội viên và tình nguyện viên CTĐ trên địa bàn. Theo ông Khổng Tấn Thành, Chủ tịch Hội CTĐ huyện, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội CTĐ trong huyện đã vận động và trao thẻ chứng nhận cho 15 người tình nguyện tham gia hiến mô, hiến tạng và bộ phận cơ thể người. 

Thời gian qua, các cấp Hội CTĐ trên địa bàn thành phố luôn nỗ lực tuyên truyền về ý nghĩa cao đẹp của hành động hiến mô, hiến tạng, bộ phận cơ thể người và hiến xác, gắn với hoạt động giáo dục lòng nhân ái, tôn vinh, nêu gương và tri ân cá nhân, gia đình người tự nguyện đăng ký hiến mô, hiến tạng, bộ phận cơ thể người và hiến xác. Ông Nguyễn Văn Phố, Phó Chủ tịch Hội CTĐ quận Thốt Nốt, chia sẻ: "Từ năm 2020-2022, các cấp Hội trong quận đã tuyên truyền, vận động 43 người đăng ký hiến mô, hiến tạng và bộ phận cơ thể người. Qua đó, có 36 người được lập hồ sơ và cấp thẻ chứng nhận".

Bà Ngô Mỹ Chiêu, Chủ tịch Hội CTĐ phường Thốt Nốt, từng mơ ước lớn lên được công tác trong ngành y, nhưng không thành. Năm 2007, biết được hoạt động hiến xác là đóng góp cho y học nên bà Chiêu tìm hiểu và đến Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tự nguyện đăng ký hiến xác sau khi qua đời. Bên cạnh đó, bà Chiêu tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia. Bà thường đem những câu chuyện xúc động để gởi đến người dân thông điệp hiến mô, tạng sau khi chết não là cách để nối dài sự sống, nhân lên tình yêu thương giữa người với người. Từ năm 2015 đến nay, bà đã tuyên truyền, vận động 21 người tự nguyện hiến xác cho y học và 8 người hiến tạng, hiến mô nhân đạo.

Từng chứng kiến bệnh nhân suy mô, tạng mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống trong chuyến tham gia cùng Đội xe chuyển bệnh nhân đạo từ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Văn Quảng, Chủ tịch Hội CTĐ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, luôn trăn trở. Năm 2019, ông tình nguyện đăng ký hiến xác sau khi qua đời và được Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cấp thẻ chứng nhận. Ông Quảng chia sẻ: "Vận động người dân tham gia hiến mô, tạng là vấn đề rất khó. Để người dân thay đổi nếp nghĩ, tôi kiên trì vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”… Từ đó đến nay, tôi đã vận động 38 người tự nguyện đăng ký hiến xác, mô, tạng và bộ phận cơ thể người, được Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cấp thẻ chứng nhận". 

Theo bà Trần Thị Diệu Thu, Phó Chủ tịch Hội CTĐ TP Cần Thơ, tuyên truyền về hoạt động hiến mô, hiến tạng và bộ phận cơ thể người là hoạt động đặc thù, đòi hỏi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ có kiến thức chuyên môn, khả năng thuyết phục, hiểu biết về phong tục, tập quán và các chính sách có liên quan. Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội CTĐ thành phố đã vận động 510 lượt người đăng ký và gởi về Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cấp thẻ chứng nhận cho 257 người đăng ký đủ điều kiện. Riêng năm 2022, Hội CTĐ TP Cần Thơ đã tiếp nhận 83 hồ sơ đăng ký, trong đó dẫn đầu hoạt động này các năm qua là quận Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Cờ Đỏ.

Theo Báo Cần Thơ