Dự kiến quý IV-2023, khởi công dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang.
Khởi công 27 dự án
Theo ông Lê Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT, cho biết: Năm 2023 dự kiến khởi công 27 dự án giao thông, gồm: 5 dự án quan trọng quốc gia; 1 dự án nhóm A và 21 dự án nhóm B, C. Theo kế hoạch quý I-2023 sẽ khởi công 8 dự án. Tính đến ngày 9-3, có 4/8 dự án đã hoàn chỉnh thủ tục để khởi công, gồm: dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đoạn Km15+270 - Km89+700, tỉnh Quảng Nam. Hai dự án bị chậm khởi công so với kế hoạch là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai và dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc. Do công tác phê duyệt dự toán của chủ đầu tư chậm nên tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch. Hai dự án còn lại chuẩn bị khởi công vào cuối tháng 3 này.
Trong quý II-2023, kế hoạch sẽ có 8 dự án được khởi công. Trong đó, 5 dự án quan trọng quốc gia khởi công trước ngày 30-6-2023, gồm: cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Tiếp đó, vào quý III-2023 có 6 dự án được khởi công gồm: dự án cầu Ðại Ngãi trên quốc lộ 60; cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam); dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét; nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ qua tỉnh Ðồng Tháp và TP Cần Thơ; quốc lộ 14B qua TP Ðà Nẵng. Quý IV-2023, sẽ tiếp tục khởi công 5 dự án, gồm: dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang; cải tạo, mở rộng quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Ðức Hòa; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Ðồng; đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới -
Bắc Kạn.
Rốt ráo triển khai
Hiện nay, các địa phương có dự án đi qua đang rốt ráo thực hiện thủ tục và cam kết đáp ứng tiến độ bàn giao giải phóng mặt bằng, đảm bảo điều kiện khởi công theo kế hoạch; nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.
Tại TP Cần Thơ, trong năm 2023 sẽ có 3 dự án khởi công đi qua địa bàn gồm: cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Trong đó, dự án thành phần 2 của cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ có chiều dài hơn 37km, đi qua 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ, Thới Lai. Diện tích đất thu hồi hơn 237ha, khoảng 948 hộ dân bị ảnh hưởng; dự kiến, nhu cầu tái định cư khoảng 260 nền. Hiện nay, đã hoàn thành công tác đo đạc để lập hồ sơ kỹ thuật đất, ban hành thông báo thu hồi đất; hoàn thành công tác kiểm đếm. Về nguồn cát san lấp, tháng 2 vừa qua, UBND TP Cần Thơ làm việc với UBND tỉnh An Giang, qua đó thống nhất chủ trương An Giang giao cho Cần Thơ và Hậu Giang 2 mỏ cát phục vụ cho dự án và đang thực hiện các thủ tục có liên quan để bàn giao...
Các quận, huyện của TP Cần Thơ có dự án đi qua đang khẩn trương tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án theo đúng yêu cầu tiến độ. Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Năm 2023, có nhiều dự án trọng điểm của Trung ương đi qua địa bàn huyện, khối lượng công việc thực hiện thu hồi đất khá lớn. UBND huyện hường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo tiến độ thu hồi đất theo kế hoạch...
Nỗ lực đảm bảo tiến độ khởi công các dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị các tỉnh, thành cùng xây dựng cộng đồng trách nhiệm, xem việc triển khai, phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ chung. Các địa phương với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần bám vào quy chế phối hợp để triển khai thực hiện. Công tác lựa chọn nhà thầu cần đảm bảo chặt chẽ, công khai và rộng rãi như Bộ GTVT đã triển khai. Nhà thầu được lựa chọn phải chuyên nghiệp, có uy tín, đủ năng lực, nhân lực, thiết bị. Cùng đó, chủ động đảm bảo vật liệu, mặt bằng, ưu tiên các vị trí đường tiếp cận… để dự án có thể thi công ngay sau khởi công. Các Ban quản lý dự án, vụ, cục thuộc Bộ GTVT chủ động tương tác, trao đổi cụ thể với từng địa phương, đẩy nhanh công tác thẩm định; không ngồi chờ hồ sơ trình đến nơi mới phản hồi, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư, làm chậm các bước tiếp theo…
Năm 2023, Bộ GTVT được giao vốn đầu tư công khoảng 94.161 tỉ đồng và triển khai dồn dập nhiều dự án quan trọng quốc gia. Trong năm 2023, hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 27 dự án; hoàn thành 29 dự án gồm: 7 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 1, 3 dự án nhóm A và 19 dự án nhóm B, C.
Ðến cuối tháng 2-2023, Bộ GTVT giải ngân được 10.737 tỉ đồng, đạt 11,4% kế hoạch năm, cao gấp gần 4,5 lần cùng kỳ năm 2022.
Theo Báo Cần Thơ