Cần Thơ phát triển mạnh ‘đặc sản’ du lịch miệt vườn, sông nước

09/10/2019 - 14:21

Cùng với những loại hình du lịch đặc biệt của các địa phương khác ở ĐBSCL, Cần Thơ sẽ chú trọng phát triển du lịch miệt vườn, sông nước nhằm thu hút du khách và góp điểm nhấn cho bức tranh chung của du lịch ĐBSCL.

Chợ nổi Cái Răng là điểm nhấn của du lịch Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ vừa tổ chức nghiệm thu đề án “Phát triển du lịch đường sông thành phố Cần Thơ”.

Nhóm nghiên cứu đề án cho biết, Cần Thơ có tiềm năng du lịch lớn, tuy nhiên tốc độ phát triển chưa xứng tầm. Trước thực trạng đó, bên cạnh những loại hình du lịch đặc biệt của các địa phương khác như du lịch nghệ thuật truyền thống, tâm linh, nông nghiệp… nhóm nghiên cứu đề xuất thành phố cần chú trọng phát triển mô hình du lịch miệt vườn, sông nước để thu hút khách du lịch, đồng thời góp điểm nhấn cho bức tranh chung của du lịch ĐBSCL.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất danh sách chương trình hành động ưu tiên nhằm phát triển sản phẩm du lịch đường sông của Cần Thơ, như: Nạo vét kênh rạch trên các tuyến tham quan trọng yếu; nâng cấp bến tàu, thuyền tại các đầu mối đưa đón khách du lịch; đầu tư khai thác loại tàu, thuyền đặc trưng phục vụ du lịch đường sông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch, trong đó chú trọng chuẩn hóa chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch…

Thành phố cũng cần xây dựng gian hàng, điểm mua sắm dừng chân cho các đoàn khách để quảng bá, bán những sản phẩm, đặc sản của địa phương.

Đề án được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về tính thực tiễn; nội dung phù hợp với định hướng phát triển du lịch của Cần Thơ và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đó là phát triển tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, mở rộng các tuyến du lịch liên vùng dựa trên việc xây dựng du lịch đặc thù cho từng địa phương.

Phát triển mô hình du lịch miệt vườn sông nước là một hướng đi đúng đắn đối với Cần Thơ. Trong đó, cần chú trọng xây dựng các tour, tuyến mang nét đặc thù riêng của các nhóm khách hàng khác nhau, nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu đa dạng của du khách.

Hội đồng nghiệm thu đề tài cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc phát triển du lịch của Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung dựa trên nền tảng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Cổng Thông tin du lịch và ứng dụng thông minh trên thiết bị di động - thành phố Cần Thơ vừa đi vào hoạt động sẽ giúp du khách có nhiều thông tin về điểm đến trước khi trải nghiệm thực tế.  

Đồng thời, khi đề án được đưa vào triển khai rộng rãi, cần chú trọng vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường với những giải pháp mạnh tay hơn, mang tính xử lý tận gốc, thay vì chỉ dừng lại ở những chiến dịch vớt rác trên sông như hiện nay.

Là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh thành trong cả nước, Cần Thơ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, đất đai màu mỡ, cây trái xanh tươi bốn mùa. Nơi đây cũng có nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống, di tích văn hóa lịch sử có giá trị; hệ thống nhà vườn ven thành phố như: Làng du lịch Mỹ Khánh, Giáo Dương, Vàm Xáng, Ba Cống, Mười Cương, du lịch cộng đồng Cồn Sơn… các điểm du lịch bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, vườn cò Bằng Lăng...

Đây còn là nơi sinh sống của dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, tạo nên nền văn hóa rất đặc trưng của người dân vùng đất Tây Đô.

Ngoài ra, Cần Thơ còn có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư khang trang và đồng bộ; nhiều loại hình du lịch, vui chơi giải trí được đầu tư phong phú và đa dạng.

Theo Báo Chính Phủ