Cảng Tân cảng Thốt Nốt tăng cường hoạt động, bốc dỡ hàng hóa.
Ông Võ Văn Tân, Phó Bí thư Quận ủy, Quyền Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, nhận định: "Thời gian qua, quận Thốt Nốt đã tập trung chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng an ninh đạt được kết quả đáng tự hào. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận tiếp thu, quán triệt, cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và lãnh đạo thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ tăng nhanh, sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định và có nhiều mô hình mới đạt hiệu quả cao, hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ với kết cấu hạ tầng KT-XH…".
Với vai trò là đô thị cửa ngõ phía Bắc của TP Cần Thơ, qua 15 năm thành lập và phát triển (12/2008-2023), giá trị sản xuất của quận tăng 5,5 lần so với năm 2008, hiện đạt 62.592 tỉ đồng, trong đó công nghiệp - xây dựng từ 52,9% nay chiếm gần 66% cơ cấu kinh tế. Trên địa bàn có trên 600 công trình được xây dựng, tổng đầu tư hơn 9.650 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người từ 35 triệu đến nay đã tăng lên 109 triệu đồng/năm.
Cùng đó, Khu công nghiệp Thốt Nốt giai đoạn 1 và 2 đã lấp đầy 92%, Tân Cảng Thốt Nốt có khả năng xếp dỡ 500 teus/ngày; gạo và cá tra xuất khẩu mỗi năm đem về khoảng 442 triệu USD. Thốt Nốt còn có nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn như Vườn cò Bằng Lăng, Làng nghề Bánh Tráng Thuận Hưng, Làng lưới Thơm Rơm, khu tưởng niệm cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, Cù lao sinh thái Tân Lộc…
Sau đại dịch COVID-19, quận Thốt Nốt đã tập trung nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất trên địa bàn. Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, riêng 11 tháng năm 2023, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng của quận ước đạt trên 37.400 tỉ đồng, đạt 91,93% kế hoạch, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng phát triển mới một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp; nâng tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp - xây dựng của quận đến nay là 1.053 cơ sở (trong đó có 185 doanh nghiệp) thu hút được 16.752 lao động.
Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ 11 tháng qua đạt 16.779,97 tỉ đồng, đạt 92,2% so kế hoạch, tăng 19,16% so cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục diễn ra sôi nổi và trên đà phát triển do sức mua của người dân tiếp tục tăng; công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu Tết Dương lịch 2024 đang được các doanh nghiệp, nhà phân phối và tiểu thương chuẩn bị. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dồi dào đảm bảo nhu cầu cho người dân mua sắm và tiêu dùng của nhân dân. Công tác bình ổn thị trường được đảm bảo, tình hình lưu chuyển hàng hóa tăng, nguồn cung các mặt hàng tương đối ổn định không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân…
Tình hình hoạt động lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá so cùng kỳ, sản xuất kinh doanh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực hơn và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa đang hồi phục tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận được nhiều hợp đồng xuất khẩu hơn và đang tăng cường sản xuất để có đủ nguồn hàng cung ứng cho đối tác theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, các chi phí nguyên liệu đầu vào, vận chuyển, xăng dầu, lãi suất ngân hàng… vẫn còn ở mức cao, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất…
Cuối năm 2023, ngoài công tác hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, quận Thốt Nốt tập trung khắc phục khó khăn, đồng thời đưa ra chỉ tiêu phát triển năm 2024. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng, sản xuất thương mại - dịch vụ tăng cao so với năm 2023. Đồng thời, Thốt Nốt tăng cường phối hợp với Sở Công Thương thành phố thường xuyên cập nhật thông tin, nắm sát tình hình thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra xuất khẩu nông sản. Nắm tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy cho sản xuất công nghiệp phát triển. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến và nông nghiệp chất lượng cao. Triển khai các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường theo các chính sách hỗ trợ của thành phố; phối hợp với các ngành đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống gắn kết du lịch...
Ông Võ Văn Tân nhấn mạnh: "Bên cạnh giải pháp trên, quận Thốt Nốt sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Nhất là tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, xây dựng hệ thống mạng lưới bán buôn, bán lẻ đa dạng và phong phú các ngành hàng... Song song đó phát triển hạ tầng KT-XH trong thời gian tới. Thốt Nốt phấn đấu đến năm 2030 sẽ là trung tâm công nghiệp và kho vận cấp vùng; không gian đô thị gắn với các trục giao thông huyết mạch; là trung tâm thương mại, dịch vụ, khu vực phát triển nông nghiệp đô thị; đảm bảo quốc phòng - an ninh; giáo dục đào tạo, y tế đạt mức phát triển cao; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao".
Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)