Theo đó, ngành DL An Giang phấn đấu đến năm 2025 đón 10 triệu lượt khách, trong đó tỷ trọng khách lưu trú chiếm 30%; năm 2030, đón 14,5 triệu lượt khách, tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 35%; tổng doanh thu từ DL năm 2025 đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, năm 2030 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.
Để thực hiện đạt mục tiêu này, đòi hỏi các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung Chiến lược phát triển DL Việt Nam đến các ngành, các cấp, tổ chức, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và tạo sự thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch.
Đặc biệt, ngành DL tỉnh sẽ tập trung triển khai chiến lược về phát triển sản phẩm DL; phát triển thị trường khách DL nội địa và quốc tế. Đồng thời, xây dựng các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư; xây dựng và đẩy mạnh bộ nhận dạng thương hiệu DL An Giang; hoàn thiện môi trường DL.
Về phát triển sản phẩm DL, sẽ tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm DL đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên DL có thế mạnh nổi trội từng địa bàn. Ưu tiên phát triển DL văn hóa, sinh thái, trong đó phát triển DL văn hóa làm nền tảng; phát triển các loại hình DL mới trên cơ sở khai thác tài nguyên và gắn kết các sản phẩm liên ngành, hình thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm tạo giá trị gia tăng cho ngành DL, như: DL làng nghề, DL ẩm thực…
Về phát triển thị trường khách DL nội địa, ngành DL tỉnh sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung - Tây Nguyên, vùng ĐBSCL và các tỉnh phía Bắc... là những thị trường rất có tiềm năng. Trong đó, chú trọng thu hút khách DL văn hóa - tâm linh, lễ hội, DL sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, DL tìm hiểu đời sống sông nước, miệt vườn; từng bước mở rộng thị trường khách theo chuyên đề và DL vui chơi giải trí.
Song song đó, tiếp tục tập trung thu hút du khách đến từ các nước: Mỹ, Pháp, Úc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia... Trong tương lai sẽ thu hút nhiều hơn khách DL đến từ thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á (nhất là các quốc gia: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước có nhu cầu nghỉ đông dài ngày, như: Anh, Hà Lan, Nga), với các sản phẩm DL đặc thù, gồm: trải nghiệm đời sống sông nước, DL sinh thái, tìm hiểu di sản văn hóa... Đồng thời, thu hút phân khúc thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, mục đích DL thuần túy, lưu trú dài ngày.
Ngành DL sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng DL, kết cấu hạ tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu DL. Các chương trình tập trung triển khai, như: quy hoạch tổng thể phát triển DL An Giang; phát triển hạ tầng DL; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực DL; xúc tiến quảng bá DL; Đề án An Giang điện tử…
Đồng thời, xây dựng hình ảnh và định vị DL An Giang là điểm đến “An toàn, thân thiện, hấp dẫn”. Tích cực quảng bá bộ nhận dạng thương hiệu DL An Giang (logo, slogan…) đến với du khách trong nước và quốc tế tại các sự kiện, ngày hội lớn trong và ngoài nước. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn con người nhằm xây dựng đội ngũ nhân viên phục vụ trong lĩnh vực DL chuyên nghiệp, lành nghề, ấn tượng… Từng bước hoàn thiện môi trường DL của tỉnh nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách…
THU THẢO