Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

18/09/2024 - 09:31

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Những năm gần đây, tình trạng nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Cà Mau bị ngập trong và sau mưa thường xuyên xảy ra, thậm chí có những khu vực ngập rất sâu. Các tuyến đường như: Phan Ngọc Hiển, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Ðề Thám, Hoàng Diệu... hay khu vực Quảng trường Phan Ngọc Hiển và khu vực lân cận, là những điểm nóng về tình trạng ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn, nhất là mưa đúng lúc triều cường dâng cao. Tình trạng ngập úng cục bộ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, đi lại và kinh doanh của người dân mà còn dẫn đến tác động hạ tầng giao thông bị hư hỏng, một số tuyến đường xuất hiện tình trạng bong tróc tạo ra những hố lớn, sâu sau đợt ngập.

Là khu vực thường xuyên bị ngập sâu khi có mưa lớn, Quảng trường Phan Ngọc Hiển đang được triển khai hệ thống thoát nước có tổng chiều dài 2.966 m, cùng với việc san lấp nâng cao mặt bằng hơn 50.700 m2.

Là khu vực thường xuyên bị ngập sâu khi có mưa lớn, Quảng trường Phan Ngọc Hiển đang được triển khai hệ thống thoát nước có tổng chiều dài 2.966 m, cùng với việc san lấp nâng cao mặt bằng hơn 50.700 m2.

Hẳn người dân trên địa bàn TP Cà Mau vẫn chưa thể quên đợt mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra vào tháng 10/2020. Sau gần 1 tháng bị ngập trong nước, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng nề. Thống kê thời điểm đó cho thấy, để giặm vá đường, khôi phục lại hiện trạng ban đầu trên tất cả các tuyến đường trong tỉnh thì cần trên 140 tỷ đồng và riêng TP Cà Mau, mức độ thiệt hại lên đến trên 50 tỷ đồng.

Từ khi bước vào mùa mưa đến nay, trên địa bàn thành phố không ít lần xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Ðiển hình như đợt mưa lớn những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, mưa chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn thành phố bị ngập úng cục bộ.

Mỗi khi mưa lớn kết hợp với triều cường, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Cà Mau lại bị ngập úng cục bộ (Ảnh chụp trên đường Phan Ngọc Hiển vào ngày 20/8).

Cao trình nhiều tuyến đường hiện nay cũng đang là vấn đề đáng lo ngại. Nhiều tuyến đường như: Lê Lợi, Ðề Thám, Hoàng Diệu... mặt đường thậm chí vẫn bị ngập kể cả khi không có mưa. Lý giải tình trạng này, ông Mã Minh Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố hiện nay thấp hơn so với mực nước triều cường.

Phân tích thêm những nguyên nhân ngập úng cục bộ thời gian qua, ông Tâm chỉ rõ, hệ thống mương thoát nước của TP Cà Mau được đầu tư qua rất nhiều thời kỳ nên chưa đồng bộ. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mưa lớn sẽ bị ngập cục bộ, nếu gặp đợt triều cường, mực nước bên ngoài cao hơn bên trong thì tình trạng ngập diễn ra nghiêm trọng hơn.

Cà Mau là tỉnh ven biển, địa hình thấp, lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu nên tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường là điều khó tránh khỏi. Theo dự báo, mùa mưa năm 2024 trên địa bàn tỉnh có lượng mưa cao hơn trung bình các năm trước.

Theo đó, TP Cà Mau đã và đang gấp rút triển khai các giải pháp để giảm tình trạng ngập úng cục bộ. UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát và triển khai thực hiện đấu nối 24 điểm thoát nước bị ngập cục bộ trên địa bàn các phường 5, 6 và 7, tiến hành nạo vét mương, cống thoát nước trên các tuyến đường và các cửa xả... Tuy nhiên, có thể thấy, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, chưa phải căn cơ lâu dài, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu, mưa lớn, triều cường ngày một nghiêm trọng, khó lường hơn.

UBND TP Cà Mau đã chỉ đạo rà soát và triển khai thực hiện đấu nối 24 điểm thoát nước bị ngập cục bộ trên địa bàn (Một trong những điểm đấu nối thoát nước trên đường Trần Hưng Đạo).

Ông Tâm cho biết thêm, trong quy hoạch chung của TP Cà Mau đang trình xin ý kiến đóng góp, có giải pháp hệ thống đê, để chống ngập bằng bơm thoát nước khi cần thiết. Ngoài ra, tiếp tục có buổi làm việc với các ngành có liên quan để đề xuất dự án thí điểm chống ngập cho khu vực kênh Thống Nhất và khu vực đô thị lân cận. Tuy nhiên, đó là chuyện lâu dài, trước mắt thành phố cần tiếp tục khai thông các mương, cống thoát nước. 

Mưa lớn kéo dài, triều cường, nước biển dâng dẫn đến tình trạng ngập úng là chuyện gần như không thể tránh khỏi. Thực tế này đã và đang tiếp tục ảnh hưởng lớn đến đời sống, đi lại, hoạt động kinh tế của người dân và làm thiệt hại không nhỏ đến các công trình công cộng, nhất là hạ tầng giao thông, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... Giải pháp đê bao kết hợp bơm cưỡng bức đang là đề xuất đáng lưu tâm, để thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết, hạ tầng thoát nước là một trong những khó khăn lớn nhất của thành phố hiện nay, khi xuất hiện mưa lớn và triều cường thì tình trạng ngập úng cục bộ xảy ra nhiều nơi. Trong thời gian qua, thành phố đã triển khai thực hiện quyết liệt việc duy tu, nạo vét khơi thông dòng chảy kênh mương thoát nước, tuy nhiên cần phải có thêm thời gian và nguồn lực mới có thể giải quyết dứt điểm.

Theo NGUYỄN PHÚ (Báo Cà Mau)