Chứng nhân của những ngày kháng Pháp ở Cà Mau

06/10/2023 - 09:55

Ðây là lần thứ 2 tôi gặp ông Nguyễn Phước Thẩm (tên gọi khác là Nguyễn Trí Thẩm hay Tư Thẩm), một trong những chứng nhân lịch sử hiếm hoi còn lại của cuộc kháng chiến chống Pháp tại Cà Mau. Ông Tư Thẩm quê gốc ở tại làng Tân Hưng (nay thuộc xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước), sinh ngày 14/7/1930. Ở tuổi 94 (theo tuổi mụ), ông Tư Thẩm trải lòng: “Với tôi, chuyện bây giờ có thể quên chớ những chuyện liên quan đến cách mạng thì tôi không thể nào quên được. Ðó là máu thịt rồi”.

A A

Ở tuổi đại thọ, ông Tư Thẩm vẫn nhắc lại chuyện đời, chuyện kháng chiến khúc chiết, mạch lạc. Duy chỉ có căn bệnh khàn tiếng làm giọng ông hơi khó nghe: “Bận rồi, anh em ở Bảo tàng tỉnh Cà Mau có ghé thăm, đặt vấn đề về việc viết lại một số nội dung lịch sử tỉnh Cà Mau thời kháng Pháp, tôi nhận lời ngay vì thấy mình còn đủ sức lực, trí tuệ và đã hoàn thành công việc ấy. Tôi coi đó là công việc ý nghĩa lúc cuối đời dành cho quê hương Cà Mau”.

Ông Nguyễn Phước Thẩm, ở tuổi 94 vẫn hoàn thành công việc biên soạn tư liệu lịch sử liên quan đến các mốc thời gian, địa điểm cơ quan Tỉnh uỷ đứng chân hoạt động trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp ở Cà Mau.

Cuộc đời cách mạng của ông Tư Thẩm bắt đầu từ rất sớm theo bước chân hoạt động của thân phụ ông, ông Nguyễn Phước Hoạch. Ông Hoạch là cán bộ tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền tại Cà Mau. Sau khi Pháp trở lại, Mặt trận Tân Hưng kiên cường chống trả, ông Hoạch là người phụ trách Ban tiếp tế của mặt trận. Mặt trận Tân Hưng thất thế, ông Tư Thẩm theo cha mẹ di tản trên chiếc xuồng lợp mui về vùng căn cứ cách mạng ở Ðầm Dơi.

Theo lời ông Tư Thẩm kể, cha ông, ông Nguyễn Phước Hoạch sau đó đã nối lại đường dây hoạt động, về xã Phú Hưng nhận trách nhiệm là Phó chủ tịch Uỷ ban Hành chánh kháng chiến xã. Sau đó, Tỉnh uỷ điều động ông Hoạch nhận nhiệm vụ là Trưởng ty Canh nông, Phó ty lúc đó là đồng chí Trần Hợi. Vì hoạt động trong điều kiện khó khăn, ông Hoạch lâm bệnh ngặt nghèo, qua đời năm 1948.

Nối chí theo cha, ông Tư Thẩm sớm thoát ly theo cách mạng, tham gia công tác ở Ðoàn Tuyên truyền Dân Quân Chánh huyện Cà Mau, giữ vai trò là Thơ ký phụ trách tổ chức của Ban Thanh niên Cứu quốc. Vinh dự được kết nạp vào Ðảng Lao động Việt Nam tại Chi bộ Thanh niên Cứu quốc huyện Cà Mau (3/1/1948). Ngay sau đó, ông Tư Thẩm tham gia lớp tập huấn 75 ngày đào tạo cán bộ do Ty Thông tin mở. Giai đoạn này, ông Tư Thẩm vẫn nhớ: “Tôi và anh Nguyễn Tấn Thử (thân sinh nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) cùng sinh hoạt, học tập chung, có nhiều kỷ niệm đẹp thời hoa niên giàu lý tưởng. Tôi cũng được anh Thử nhận làm em kết nghĩa”.

Sau khi hoàn thành khoá học, với thành tích tốt, ông Tư Thẩm được điều động về Ty Thông tin, phụ trách văn phòng và công tác phát hành, lưu trữ tài liệu, sách báo. Nói về giai đoạn này, ông Tư Thẩm cung cấp nhiều tư liệu quý về công tác Tuyên - Văn - Giáo nói chung và hoạt động của lĩnh vực báo chí nói riêng. Thời điểm này, ta có các tờ báo chủ lực là: Tiếng súng kháng địch của Quân khu 9, Cứu quốc của Sở Thông tin Nam Bộ và tờ Chiến của Tỉnh uỷ Bạc Liêu. Sau này có thêm tờ Nhân dân miền Nam của Trung ương Cục xuất bản (năm 1950).

Ông Tư Thẩm hồi nhớ: “Với tờ báo Chiến của Tỉnh uỷ, hình thành khoảng năm 1947, có thời gian đóng ở kênh Bộ Ðôi, ấp Tân Hoà, xã Tân Thuận, huyện Cà Mau. Nội dung chủ yếu là tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng, kháng chiến của ta. Phía trước cơ quan báo Chiến có đề “Cơ quan hội nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác tỉnh Bạc Liêu”. Nhà in của tỉnh khi ấy do đồng chí Trần Ngọc Hy phụ trách. Ông Tư Thẩm còn hết sức ngưỡng mộ ông Trần Ngọc Hy về biệt tài đặt các bài thơ ca, hò vè, có bài theo vần chữ T mấy trăm chữ.

Năm 1950, ông Tư Thẩm về Ban Tuyên huấn tỉnh Bạc Liêu, công tác với danh nghĩa Tổng Ðại lý báo Nhân dân miền Nam. Báo Nhân dân miền Nam do Trung ương Cục xuất bản, in tại Nhà in Trần Phú với số lượng phát hành lớn, về đến tận chi bộ đảng ở xã. Lúc này, công việc của ông Tư Thẩm là tiếp nhận, phát hành, lưu trữ toàn bộ sách, báo của Ðảng, trong đó có những tài liệu mật chỉ có các đồng chí cao cấp được tiếp cận. Theo ông Tư Thẩm, “lúc này, loại sách báo đặc biệt chỉ có các đồng chí Châu Văn Ðặng, Trần Văn Sớm và Võ Văn Kiệt được tiếp cận”. Ðồng thời, tổ chức các cuộc triển lãm sách, báo trong các cuộc hội nghị quan trọng của Tỉnh uỷ, Trung ương Cục để các đại biểu nghiên cứu.

Với chiếc ghe tam bản, 2 rương sách, báo lớn và đội quân xuồng ba lá, công tác phát hành sách, báo giúp ông Tư Thẩm có mặt khắp nơi ở chiến trường Cà Mau, gặp gỡ, quan hệ công tác từ cán bộ cao cấp cho đến các đồng chí ở xã. Thế nên những hiểu biết của ông về tình hình kháng chiến trong thời kháng Pháp ở Cà Mau là tin cậy với tư cách là người trong cuộc. 

Bằng sự cẩn trọng, tỉ mỉ, ông Tư Thẩm cho biết: “Giai đoạn kháng Pháp, cơ quan Tỉnh uỷ có nhiều lần di dời để đứng chân hoạt động. Sau khi Pháp trở lại, Mặt trận Tân Hưng thất thế, cơ quan Tỉnh uỷ về đóng tại ấp Tân Hoà, xã Tân Thuận, huyện Cà Mau. Khi này, tại ngã ba Ðầu Trâu có trạm gác xét duyệt người đến cơ quan Tỉnh uỷ liên hệ làm việc. Ông Lê Khắc Xương là Bí thư kiêm Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh kháng chiến tỉnh; ông Dương Thuần Chương là Phó bí thư kiêm Trưởng ban Tuyên huấn; ông Trần Hợi là Uỷ viên. Cơ quan Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chánh kháng chiến tỉnh, Ty Tài chánh, Ty Canh nông, cơ sở in bạc Cụ Hồ, cơ quan báo Chiến đều đóng ở đây.

Năm 1947, cơ quan Tỉnh uỷ dời về địa bàn huyện Cái Nước, đóng ở rạch Ông Phụng cùng nhiều đơn vị khác. Cuối năm 1950, cơ quan Tỉnh uỷ về đứng chân tại huyện Trần Văn Thời, tại Rạch Ráng, các đơn vị khác đóng ven theo tuyến sông Ông Ðốc, đầm Thị Tường. Cuối năm 1952, cơ quan Tỉnh uỷ về đứng chân hoạt động tại 2 xã Phú Mỹ và Hưng Mỹ. Sau giai đoạn này, tôi được phân công nhiệm vụ khác”.

Trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp tại Cà Mau, ông Tư Thẩm có điều kiện bao quát, nắm bắt tình hình, được liên hệ công tác với các đồng chí, cơ quan đầu não kháng chiến của Tỉnh uỷ và cơ sở. Việc ông Tư Thẩm tiếc là: “Tuổi cao, sức yếu, nhiều chuyện muốn nhắc, muốn kể nhưng không còn đầy đủ, chi tiết nữa. Chỉ biết một điều là có Bác, có Ðảng, quê hương Cà Mau anh hùng đã đồng lòng, chung sức, sẵn sàng hy sinh tất cả để đánh đuổi giặc thù”.

Một phần nội dung bản thảo của ông Nguyễn Phước Thẩm để cung cấp thêm tư liệu về thời kỳ đầu kháng Pháp tại tỉnh Cà Mau

Cuộc đời ông Tư Thẩm qua nhiều thăng trầm, Pháp thất bại, thời điểm tập kết 200 ngày ở Cà Mau, vợ chồng ông Tư Thẩm được phân công ở lại để tiếp tục hoạt động. Khi Mỹ - Diệm tràn vào, những người hoạt động kháng chiến 9 năm như ông Tư Thẩm bị bắt bớ, tra tấn dã man. Riêng ông Tư Thẩm bị Mỹ - Diệm bắt đến 2 lần, có lúc tưởng cái chết cận kề, bí bách ông phải lên Sài Gòn để hành nghề y tá tư. Suốt thời kháng chiến chống Mỹ, ông Tư Thẩm vẫn mong ngóng kết nối với tổ chức, hy vọng được sát cánh cùng đồng chí, đồng đội ra bưng biền kháng chiến, nhưng rồi, vì nhiều nguyên do ông vẫn bám thành.

Chính ông Tư Thẩm là người đứng ra thành lập Nghiệp đoàn Y tá tư tại trung tâm đầu não chế độ cũ ở Sài Gòn, với hàng ngàn hội viên, phần khá đông trong số ấy là người hoạt động trong chiến khu thời kháng Pháp trải dài từ Mũi Cà Mau đến sông Bến Hải. Cũng trong thời gian này, Nghiệp đoàn Y tá tư, mà ông Tư Thẩm với tư cách là người sáng lập, đã ủng hộ thuốc men, máy móc, y cụ vào vùng căn cứ kháng chiến, hướng lòng mình về cách mạng. Ông Tư Thẩm, bằng sức ảnh hưởng của mình, cũng tổ chức được nhiều đợt cứu trợ lũ lụt cho đồng bào miền Trung khi ấy.

Với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, ông Tư Thẩm đã rơi vào tầm ngắm với bản lý lịch "đen ngòm là cộng sản nòi”, là đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam, có tội dung dưỡng cho VC (Việt cộng - PV) nằm vùng trong nội thành. Tình thế cấp bách, ông bỏ lại tất cả để về vùng Phan Rang, Phan Thiết đi vác cây mướn. Khi chiến thắng cận kề, ông về lại nội thành Sài Gòn góp phần nhiệt thành cho công tác tiếp quản của cách mạng.

Sau giải phóng, ông Tư Thẩm về Cà Mau làm công tác ở Ðài Truyền thanh Duyên Hải (sau đó đổi là Ngọc Hiển), rồi theo yêu cầu của tổ chức, trở lại TP Hồ Chí Minh để góp phần bóc gỡ các cơ sở, đường dây, kho tàng, đối tượng mà chế độ cũ và Mỹ còn cài cắm lại để chống phá cách mạng. Tiếp đó, ông về Ðầm Dơi làm công tác thương nghiệp và nghỉ hưu. Nói về cuộc đời mình, trong lời tâm sự, ông Tư Thẩm trải lòng: “Ngẫm lại, ở tuổi này, tôi không có gì để nuối tiếc nữa. Mình góp được chút sức cho sự nghiệp cách mạng, cho quê hương, đất nước thì đã thoả nguyện rồi”./.

Theo PHẠM HẢI NGUYÊN (Báo Cà Mau)