Chuyện vượt khó thoát “vùng trũng giáo dục” của Hậu Giang

18/01/2024 - 10:06

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà mang niềm tin, sức trẻ tràn đầy, với khát vọng cống hiến, tiếp tục vun bồi những “hạt mầm xanh”, dệt ước mơ cho những nhân tài tương lai.

Trường lớp khang trang, tạo điều kiện tốt cho việc dạy học.

Dẫn đầu đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng trường chuẩn    

Xã nông thôn mới Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, năm 2023, địa phương đã trở thành điểm sáng, khi xây dựng thành công Trường Mẫu giáo Phương Phú vươn lên đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trở thành 1 trong 2 trường mầm non, mẫu giáo đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn này.

Bà Hồ Thanh Nhã, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Mùa xuân mới này, cô và trẻ sẽ có rất nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị tại sân trường này. Hội chợ xuân năm nay được bố trí nhiều hoạt động đa dạng, sinh động, ý nghĩa hơn, giúp tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ rất hay”.

Đâu ai có thể hình dung từ một ngôi trường nông thôn, thiếu thốn mọi thứ 20 năm trước, để trẻ có nơi học tập, trường phải đi học nhờ, học gửi tại các điểm trường tiểu học. Không sân chơi, bãi tập, phòng học tạm bợ, ọp ẹp... Trường Mẫu giáo Phương Phú được xây dựng trong khuôn viên hơn 6.110m2 với 18 phòng chức năng, đầy đủ trang thiết bị hiện đại, 14 phòng học, 1 sân bóng đá trải thảm cỏ nhân tạo, vườn cổ tích, phòng học công nghệ...

Ông Trần Mê Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, cho biết: “20 năm trước, nói về giáo dục, nếu các huyện khác trong tỉnh khó một thì huyện Phụng Hiệp khó đến chín, mười. Huyện chúng tôi có địa bàn rất rộng, số lượng trường nhiều nhất tỉnh, với gần 70 trường từ mầm non đến THPT, phòng học tạm bợ, tiền chế rất nhiều. Sau 20 năm bứt phá, huyện đã có 87,3% trường học từ mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia”.

 “Quả ngọt” sau 20 năm nỗ lực là toàn tỉnh đã có 262/315 trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trong đó, có đến 14 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (cấp học mầm non có 2 trường mới được công nhận năm 2023, cấp tiểu học có 8 trường và THCS có 4 trường), với tỷ lệ đạt chuẩn toàn tỉnh là 83,17%, đã tăng trên 75% so với năm 2004, khi mới chia tách tỉnh. Đặc biệt, thành phố Ngã Bảy là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh đã có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Hậu Giang đã thoát khỏi “vùng trũng” của giáo dục, ghi điểm sáng ấn tượng so với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, khi nhiều năm liền luôn là tỉnh dẫn đầu khu vực trong xây dựng trường đạt chuẩn chất lượng và cả số lượng.

Thoát “vùng trũng giáo dục” đầy ngoạn mục

Ông Bùi Văn Dũng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, vị “thuyền trưởng” đầu tiên của ngành giáo dục tỉnh nhà những ngày đầu mới chia tách tỉnh, chia sẻ: “20 năm trước, chuyện dạy và học ở tỉnh vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Năm 2004, khi mới chia tách tỉnh, về đây thực hiện nhiệm vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo khi đó chia tách từ Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ, lúc này nhân sự chỉ có 12 người, gồm 3 lãnh đạo sở và 9 cán bộ, chuyên viên, nhân viên, lực lượng vừa thiếu vừa yếu. Cả ngành đã phải vừa làm, vừa học”.

Toàn tỉnh ngày ấy có 260 trường học mầm non và phổ thông. Trong đó, chỉ có 8 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 3,07%, không có trường đại học, cao đẳng, còn đến 27 xã, phường chưa có trường mầm non, mẫu giáo... Thời điểm này, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn còn rất thấp, chỉ có duy nhất 2 thạc sĩ…

Không chùn bước chân, mang trái tim khát khao, đào tạo, vun bồi kiến thức cho từng “mầm non” phát triển, bao thế hệ thầy và trò đã từng bước vượt khó. Mạng lưới trường lớp sau 20 năm giờ đã được phát triển toàn diện. Toàn tỉnh đã có 262/315 trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh đã có trường đại học, cao đẳng. Toàn ngành có 9.780 cán bộ, giáo viên, nhân viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cao, với 283 thạc sĩ (năm 2004 có 2 thạc sĩ)...

Nhắc lại khó khăn để tự hào với những thành tích hiện nay có được, ông Bùi Văn Dũng khẳng định: “Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà với những kết quả hiện nay tự hào đã thoát “vùng trũng” rất thành công”. 

Năm 2023, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và ra quyết định công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục (PCGD) THCS mức độ 2, đã tô điểm thêm dấu son trong bảng thành tích giáo dục tỉnh nhà. Hậu Giang trở thành tỉnh thứ 23 trong cả nước đạt chuẩn này. Đây là niềm vui nối tiếp niềm vui, khi năm 2018, Hậu Giang là tỉnh đầu tiên khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh thứ 17 trong cả nước đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3.

 “Cú hích” quan trọng khẳng định “thương hiệu” giáo dục tỉnh nhà những năm qua, là phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong nhà trường. Đây là điểm đột phá giúp ngành nâng cao chất lượng dạy và học một cách toàn diện khi lý thuyết được ứng dụng thực tế vào trong học tập và cuộc sống.

Lật cuốn sổ nhỏ lưu lại những giải thưởng cao của học sinh tỉnh, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, phấn khởi cho biết: “Mùa xuân mới này, ngành giáo dục tỉnh nhà đã tròn 20 tuổi, góp vào bảng vàng tri thức, học sinh Hậu Giang đã để lại nhiều thành tích đáng tự hào ở sân chơi trí tuệ”.

Nếu năm 2012 học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh ghi dấu ấn bằng giải nhì Cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc (năm đó bảng dành cho học sinh THPT không có giải nhất), manh nha cho nhiều giải thưởng cấp quốc gia liên tiếp hàng năm, năm 2022, học sinh trường lại tiếp tục mang về giải nhất Cuộc thi quốc tế về trí tuệ nhân tạo. Và năm 2023 đã có nhiều giải thưởng tiếp tục được trao giải cho học sinh tỉnh nhà.

Tròn 20 tuổi, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà với bầu nhiệt huyết tràn đầy, đang nuôi khát vọng lớn vươn lên sánh bước chất lượng không chỉ cùng các tỉnh, thành bạn trong khu vực mà là trên cả nước.

Thành tích nổi bật

Năm 2015, Hậu Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Năm 2018, trở thành tỉnh đầu tiên khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh thứ 17 trong cả nước đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3. Năm 2023, trở thành tỉnh thứ 23 trong cả nước đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2.

Toàn tỉnh có đến 83,17% trường từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, so với năm 2004 đã tăng trên 75% (tăng 254 trường). Toàn ngành đã có 283 thạc sĩ và 123 nhà giáo ưu tú, có 215 sinh viên/10.000 dân. Từ năm 2013 đến nay, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông, cuộc thi tin học trẻ toàn quốc đã mang về hơn 50 giải cấp quốc gia.

Theo CAO OANH (Báo Hậu Giang)