Cốm ống tuổi thơ

13/01/2023 - 10:39

Một sáng cuối năm, giữa tiết trời se se lạnh, tiếng rao “Ai nổ cốm gạo ống không?” vang đi khắp cung đường, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chiếc xe được chế lại để hành nghề nổ cốm dạo của đôi vợ chồng trẻ đã mang đến món ăn vặt mộc mạc tuổi thơ một thời, kèm đó là những hình ảnh dễ thương khi người mua nhanh chân vào nhà xúc gạo để nổ cốm.

A A

“Một lon 10 ngàn đồng, sáu lon 50 ngàn đồng”, đó là giá tiền được anh Trần Công Tình, ngụ ấp Cái Ngang, xã Hoà Thành, TP Cà Mau, người hành nghề nổ cốm thông báo với khách. Ngay sau khi “chốt đơn”, anh Tình mau mắn nhận gạo và trộn nguyên liệu để nổ cốm.

Vợ chồng anh Tình trước đó đi làm ở tỉnh Bình Dương, rồi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh chị về quê tránh dịch và ở lại cho đến nay. Mỗi ngày rong ruổi trên chiếc xe từ sáng đến chiều muộn mới về, chuẩn bị mang theo cơm, nước uống, đi tới đâu nghỉ ở đó. Ðể tránh mưa nắng, anh còn dựng thêm mái che trên xe bằng tấm cao su. Những ngày đắt hàng thường rơi vào cuối tuần, có khi đạt đến mốc 10 kg gạo cũng không chừng.

“Có xe cũng tiện lắm, cứ có đường là đi tới hết, ngày nắng tôi làm đắt hơn ngày mưa, thường tôi hay đậu xe khúc bên Phường 8 hoặc khu nhà công vụ của khí - điện - đạm (Phường 1, TP Cà Mau). Gạo thì của khách mang đến, còn các nguyên liệu phụ thì mình tự chuẩn bị; cồng kềnh nhất vẫn là cái máy nổ, máy này chỉ nổ được cốm ống thôi, còn cốm gạo thì phải có dụng cụ đốt lửa phiền phức lắm. Nghề này kiếm sống cũng được, cực cái là phải đi suốt, nhưng đi hoài cũng quen chân”, anh Tình chia sẻ.

Cốm ống không chỉ ngon mà quá trình quan sát để làm ra từng đoạn cốm cũng rất vui mắt.

Cốm gạo có màu trắng ngà, hình ống tròn, bên trong rỗng ruột. Tuỳ theo sở thích của người mua mà cắt thành từng khúc ngắn dài khác nhau, ăn vào có vị ngọt đặc trưng của gạo, bùi, béo béo, giòn tan. Ngoài cốm gạo thuần tuý để giữ vị nguyên bản thì có thể trộn thêm một vài nguyên liệu khác để mùi vị thơm ngon, hấp dẫn.

Anh Tình chia sẻ: “Tuỳ ý mỗi người mà gia giảm độ ngọt bằng cách cho ít đường hoặc không cho, thêm vào đó tôi còn cho đậu xanh, mì gói, hạt nêm của mì... trộn đều lên rồi đổ hỗn hợp vào máy nổ”.

Không chỉ ưa thích món cốm mà chính quá trình để làm ra chúng cũng thật thú vị. Trên máy nổ cốm có một đầu phễu cho nguyên liệu vào cán mịn, một đầu khác cho ra cốm, thành phẩm nối liên tục được đẩy ra bên ngoài, lúc này nhanh tay dùng kéo cắt thành từng khúc, đoạn tuỳ thích.

Trước đây, khi mà các món ăn vặt chưa phong phú như bây giờ thì cốm gạo là món được cả trẻ con lẫn người lớn yêu thích, trữ sẵn trong nhà, nhất là những lúc Tết đến. Cốm ống ngon nhất là ăn liền sau khi mới ra lò, còn nóng và thơm lừng vị gạo.

Chị Nguyễn Mộng Nghi, Phường 1, TP Cà Mau, bộc bạch: “Tính ra cũng hơn 20 năm tôi mới thấy lại hình ảnh nổ cốm, thỉnh thoảng khi đi chợ tôi cũng thấy người ta bày đủ các loại cốm, nhưng thích hơn vẫn là tự tay mang gạo ra nổ rồi thưởng thức tại chỗ, muốn ăn ngọt, lạt có thể điều chỉnh. Nay tôi mang ra 5 lon gạo để nổ, thành phẩm ra 2 túi to, có lẽ sẽ mang một ít về quê để chia cho mọi người cùng ăn”.

Còn ông Nguyễn Việt Hùng, 65 tuổi, Phường 1, TP Cà Mau, chia sẻ: “Trước nhà tôi dưới Sông Ðốc lâu lâu cũng thấy xe hoặc ghe đi nổ cốm, nhưng giờ thì hiếm lắm. Tôi nhớ giá lúc trước chỉ 2-3 ngàn đồng/lon, con đông nên nổ một lần rất nhiều để dành ra vô ăn vui miệng, riêng tôi thích chỉ nổ gạo truyền thống thôi, vì gạo đã sẵn vị ngọt rồi, ăn cốm kèm nước trà cũng hay hay”.

Ngày trước, để nổ cốm, người làm nghề thường chạy dọc các tuyến kênh, sông, len lỏi vào các vùng sâu bằng chiếc phà cỡ nhỏ, đi đến đâu phát loa thông báo đến đó. Ðó cũng là dấu hiệu để người dân mang gạo đến nổ cốm. Ngày nay, người làm nghề nổ cốm dần thưa, thay vì chạy đi tận nơi thì họ nổ tại nhà và giao cho bạn hàng mua đi bán lại. Nên bất chợt khi bắt gặp hình ảnh những người làm nghề nổ cốm ở bất cứ nơi đâu, nghe âm thanh xình xịch lại thấy lòng xao xuyến khi nghĩ về niềm vui nhỏ bé một thời. Mùi vị quê hương vẫn vẹn nguyên như ngày nào, chỉ là món ăn vặt mộc mạc nhưng đã theo chân nhiều thế hệ đi hết chiều dài tuổi thơ./.

Theo NHI NGÔ (Báo Cà Mau)