Cù lao Dài còn được người dân địa phương gọi bằng một cái tên khác gắn liền với tên gọi hành chính địa phương đó là là cù lao Thanh Bình - Quới Thiện.Với chiều dài khoảng 20 km, giáp với các tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Sở dĩ có cái tên cù lao Dài là vì khi nhìn từ trên cao xuống, cù lao có hình dáng giống như một chiếc giày. Do người địa phương nơi đây đọc chạy “giày” biến thành “dài”. Tên gọi cù lao Dài cũng bắt đầu từ đó.
Để đến được cù lao Dài, du khách có thể đi bằng tàu du lịch từ thành phố Vĩnh Long, chạy dọc theo dòng Cổ Chiên khoảng gần 2 giờ đồng hồ, hoặc du khách cũng có thể đi bằng đường bộ đến thị trấn Vũng Liêm sau đó tiếp tục di chuyển qua phà Quới An - Quới Thiện khoảng 10 phút.
Theo lịch sử tỉnh Vĩnh Long ghi lại, cù lao Dài trước đây là một vùng đất hoang sơ, dân số thưa thớt, sau đó được người dân khai hoang dưới triều vua Gia Long. Một trong những người có công lao lớn trong việc khai phá vùng đất cù lao này chính là danh thần Thoại Ngọc Hầu. Buổi đầu, ông lập ra năm ấp gồm: Phú Thái, Phước Khánh, Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh. Trải qua những lần tách, nhập đến những năm cuối thế kỷ 20, cù lao Dài chia tách thành 2 xã là Thanh Bình và Quới Thiện cho đến ngày nay.
Khu lăng mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu
Một trong những địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi đến vùng đất này chính là Khu lăng mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu – một công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thời kỳ khẩn hoang vùng đất phương Nam. Sau khi du khách có dịp lắng nghe những câu chuyện lịch sử hấp dẫn về danh thần Thoại Ngọc Hầu, du khách tiếp tục di chuyển đến tham quan một làng nghề truyền thống độc đáo đã tồn tại hàng chục năm qua nơi đây, đó chính là làng nghề truyền thống dệt chiếu tại ấp Bình Thuỷ. Do đặc điểm về địa hình, vùng đất nơi đây thường xuyên bị ngập nước, nên chủ yếu trồng lúa nước và trồng lác, người dân đã tận dụng nguồn nguyên liệu từ cây lác để tạo nên nghề dệt chiếu nổi tiếng. Du khách có dịp tận mắt chiêm ngưỡng những bàn bay khéo léo của những người thợ dệt chiếu thật công phu, tỉ mỹ cho ra những sản phẩm đẹp mắt phục vụ người dân địa phương và cả du khách phương xa.
Làng nghề dệt chiếu tại ấp Bình Thùy - cù lao Dài
Ngày nay, cù lao Dài trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú của huyện Vũng Liêm. Vì thế đã đến đây du khách không thể không thưởng thức trái cây tại vườn, một trong những loại trái cây đặc sản vùng đất này chính là bưởi da xanh và sầu riêng, còn được thưởng thức nhiều món ăn dân giã mà ngon đến lạ như bánh xèo thịt vịt, bánh xèo hến, canh chua cá hú nấu bần, ốc bươu nướng tiêu xanh, gỏi gà trộn chuối cây, bánh cuốn hến...
Đặc sản Bưởi da xanh xứ cù lao
Có thể nói, một ngày trải nghiệm du lịch tại cù lao Dài với không gian vui tươi, mát mẻ bởi không khí trong lành cùng với những nét riêng độc đáo về lịch sử, làng nghề và ẩm thực nơi đây chắc chắn sẽ mang đến cho du khách một cảm giác gần gũi với cách tiếp đón như người thân đi xa mới về.
Theo PetroTimes