Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Bến Tre nhìn từ chiến trường Khu 8 và toàn Miền

30/08/2023 - 09:14

Cuối năm 1967, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chủ trương chuyển cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) quyết định mở cuộc tiến công chiến lược vào dịp Tết Mậu Thân 1968 bằng phương pháp “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa”; kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy khởi nghĩa của quần chúng ở các đô thị nhằm đánh sập chính quyền ngụy, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giành chính quyền về tay nhân dân; đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận rút quân và ngồi vào bàn đàm phán.

A A

Đồng chí Lê Minh Đào - Tỉnh đội trưởng Bến Tre đang theo dõi cuộc tiến công vào thị xã Bến Tre Tết Mậu Thân - 1968.

Phát huy tinh thần Đồng khởi

Nghị quyết chỉ rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền; đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định nhằm đạt tới những mục tiêu chiến lược đề ra”(1). Quyết định mở cuộc “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” ở cả 3 vùng chiến lược trong điều kiện địch vẫn còn trên 1 triệu quân, tiềm lực quân sự còn mạnh nên Bộ Chính trị dự kiến tình hình có thể phát triển theo 3 khả năng: Một là, giành thắng lợi ở các trọng điểm, nhiều đô thị và vùng nông thôn quan trọng, buộc địch phải xuống thang, kết thúc chiến tranh theo yêu cầu của ta. Hai là, ta chỉ giành thắng lợi ở nhiều nơi, nhưng không giành được thắng lợi ở trọng điểm. Ba là, ta chỉ giành được thắng lợi như những năm trước đây.

Đêm 30, rạng sáng 31-1-1968, hòa nhịp cùng với tiếng súng nổ vang ở Sài Gòn, quân và dân Khu 8, trong đó có Bến Tre cũng đồng loạt nổ súng, mở màn cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa theo sự chỉ đạo và mệnh lệnh của Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền.

Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968 ở Bến Tre được xem như “gạch nối” giữa Đồng khởi 1960 với đại thắng mùa Xuân 1975, tạo thành tổng thể bức tranh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại mảnh đất “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy” này. Hay diễn đạt theo một cách khác, cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968 ở Bến Tre là một cuộc tổng diễn tập phát huy thành quả của cao trào Đồng khởi tám năm trước và tạo tiền đề cho trận quyết chiến chiến lược giải phóng hoàn toàn tỉnh Bến Tre, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam bảy năm sau đó. Có thể khẳng định rằng không có Đồng khởi 1960 thì không thể có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 và không có Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 thì không thể có đại thắng mùa Xuân 1975 ở Bến Tre. Đó là một sự phát triển hợp logic, là chân lý.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Bến Tre không phải là một hiện tượng tự phát ngẫu nhiên, mà là một kết quả tất yếu của quá trình vận động phát triển cách mạng dựa trên hai cơ sở: Điều kiện khách quan chín muồi cho một cú đánh động lớn, rung chuyển, mà như cách nói của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thì đó là một cú “bombardier” (ném bom, đập thẳng, đập mạnh... cho các yếu tố chính trị tung tóe ra) và xuất phát từ sự chấp hành nghiêm túc chủ trương “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” của Đảng; đồng thời, xuất phát từ sự phân tích, đánh giá tình hình một cách khách quan, nhận định, tính toán một cách khoa học và cẩn trọng của Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bến Tre lúc bấy giờ. Điều này được thể hiện rất rõ trong việc lựa chọn mục tiêu, sử dụng lực lượng, phát động quần chúng nổi dậy để phối hợp với đòn tiến công quân sự... và cả trong việc lường trước các tình huống trong quá trình “tổng công kích, tổng khởi nghĩa”. Chính nhờ sự cẩn trọng, nhạy bén và sáng tạo đó mà Bến Tre đã không chấp hành một cách thụ động, máy móc, rập khuôn chủ trương “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” của cấp trên mà đã có những quyết định phù hợp với hoàn cảnh thực tế ở địa phương để “cú đánh” có thể thu được hiệu quả tối đa nhất, nhưng ít tổn thất và quan trọng hơn thế là giữ được thế cho quần chúng trong trường hợp “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” không thành công hoặc thành công không trọn vẹn. Đây cũng là điểm khác biệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Bến Tre so với các địa phương khác.

Điểm nổi bật của tỉnh tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là một trong những sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chính vì vậy mà cũng giống như nhiều địa phương khác ở miền Nam, không phải đến bây giờ, mà ngay từ lúc “sự kiện Mậu Thân” đang diễn ra đợt 2, đợt 3... ở Bến Tre và Khu 8 đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đánh giá sự kiện này. Có lẽ, nếu khung sự kiện trong một thời điểm và trên một không gian cụ thể trong phạm vi tỉnh mình, khu mình, hay nhìn vào những con số tổn thất thì rất dễ tùy tiện trong đánh giá ý nghĩa, tác động to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đối với cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Song, để có được sự đánh giá khách quan của sự kiện này thì cần phải đặt nó trong cái nhìn “đối sánh” với chủ trương và mục tiêu đề ra của trên, cũng như diễn biến cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở các địa phương khác trong phạm vi Khu, Miền. Theo chúng tôi, đánh giá về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Bến Tre phải thấy hai mặt của một vấn đề, phải có cái nhìn toàn cục vào trong một sự kiện, chứ không thể tách bạch như khi đánh giá một công việc thường nhật. Có như vậy mới có thể đánh giá đầy đủ và khách quan hơn ý nghĩa, tác động to lớn của nó; thấy được những điểm nổi bật khác biệt; cũng như những hạn chế, thiếu sót trong chỉ đạo và trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” của Trung ương Đảng, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8.

Trước hết, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Bến Tre cho thấy sự quán triệt nghiêm túc chủ trương “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” của trên, nhưng đồng thời cũng cho thấy những quyết định sáng tạo, những ý kiến đề xuất mang tính phản biện đầy bản lĩnh, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy ở cơ sở.

Trên cơ sở kế hoạch chung của toàn khu, ngay từ bước chuẩn bị, Tỉnh ủy Bến Tre đã xác định “tập trung ưu tiên về lực lượng cho mục tiêu thị xã; trên cơ sở lấy được thị xã sẽ tỏa ra giải phóng các địa bàn thị tứ còn lại và vùng nông thôn. Toàn bộ vùng nông thôn phải chớp lấy thời cơ tự lực tiến công quân địch. Phải ưu tiên mọi mặt dành cho thị xã. Thị xã cần gì - kể cả cán bộ, vũ khí và mọi phương tiện khác - thì các nơi phải sẵn sàng và phải chấp hành nghiêm chỉnh”(2). Về tổ chức lực lượng, trước khi mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cả Quân khu 8 có 5 tiểu đoàn bộ binh, 3 đại đội đặc công, 4 đại đội công binh, 3 đại đội cối, 3 đại đội DKZ, 2 đại đội phòng không 12,7 ly(3) thì tỉnh Bến Tre đã chiếm số lượng áp đảo. Để có thể chống lại đội quân của địch đông tới hơn 13 ngàn, gồm 4 tiểu đoàn chủ lực của Trung đoàn 10, Sư đoàn 7, 30 đại đội bảo an, hơn 5 ngàn dân vệ cùng lực lượng cảnh sát, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bến Tre đã quyết định dồn dịch, điều chỉnh, chỉ để lại một số cán bộ cốt cán làm khung, còn lại thì rút bớt lực lượng các huyện về bổ sung cho lực lượng của tỉnh; đồng thời “đôn” lực lượng các xã, ấp lên bổ sung cho bộ đội địa phương huyện. Nhờ cách làm sáng tạo và sự vào cuộc quyết liệt này mà chỉ trong một thời gian ngắn, Bến Tre đã xây dựng được 4 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn đặc công, công binh; các đại đội đặc chủng như: săn tàu, pháo cối, phòng không... và 7 tiểu đoàn dân quân, du kích. Ở cấp huyện, một số huyện đã xây dựng được 1 tiểu đoàn (thiếu), thậm chí có huyện như Mỏ Cày có tới 2 tiểu đoàn. Riêng thị xã xây dựng được 1 đại đội bộ binh và 1 trung đội biệt động.

Để có thể phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả với đòn “tổng công kích”, Tỉnh ủy Bến Tre chủ trương phát huy tinh thần Đồng khởi, huy động một lực lượng quần chúng sẵn sàng xuống đường “tổng khởi nghĩa” đông tới 32 ngàn người. Có thể nói, về mặt lực lượng, so với một số địa phương khác, Bến Tre là tỉnh huy động được lực lượng đông đảo nhất, đáp ứng được yêu cầu mà cấp chiến lược, chiến dịch đề ra trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tạo ra điểm khác biệt đáng kể.

Điểm nổi bật thứ hai, đó là lựa chọn mục tiêu và hướng tiến công chính xác; xử lý các tình huống một cách kịp thời và hợp lý. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Bến Tre được Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8 xác định là trọng điểm 2 của Khu (trọng điểm 1 là Mỹ Tho). Để hoàn thành được mục tiêu và nhiệm vụ của một trọng điểm, Bến Tre đã có sự lựa chọn mục tiêu thích hợp và cách đánh hợp lý, cách đánh đó vừa đáp ứng được mục tiêu chung, nhưng lại vừa sức với địa phương. Tỉnh ủy Bến Tre với tinh thần mở rộng dân chủ đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận, bàn bạc cho đội ngũ cán bộ chủ chốt nhằm đi đến thống nhất cao trong việc lựa chọn mục tiêu và hướng tiến công để mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy theo đúng kế hoạch của Khu. Nhờ có việc thảo luận bàn bạc dân chủ, thẳng thắn trong lãnh đạo, chỉ huy mà tất cả đều thống nhất hạ quyết tâm “đánh chiếm thị xã trước” với các mục tiêu quan trọng như: Trại Đinh Tiên Hoàng, Dinh tỉnh trưởng, tiểu khu bảo an, đài phát thanh, sân bay Tân Thành, các doanh trại, trận địa hỏa lực của địch... Tại mục tiêu trọng yếu này, tỉnh đã “ưu tiên” tập trung tới 3/5 tiểu đoàn bộ đội địa phương hiện có của tỉnh. Sự tập trung lực lượng như vậy đã tăng thêm sức mạnh cho đòn tiến công trên hướng chủ yếu.

Cùng với việc lựa chọn mục tiêu chính xác, bố trí, sử dụng lực lượng một cách thích hợp và hiệu quả, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội còn đặc biệt chú trọng đến vấn đề chọn hướng tiến công. Đâu là hướng tiến công chủ yếu, đâu là thứ yếu mặc dù trong điều kiện thời gian rất eo hẹp nhưng vẫn được các cấp lãnh đạo, chỉ huy ở Bến Tre đưa ra bàn bạc, thảo luận dân chủ và cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước khi đi đến thống nhất chọn phía Nam thị xã làm hướng tiến công chủ yếu. Điều mà không phải tỉnh nào cũng làm được như vậy trong quá trình chuẩn bị cho “tổng công kích, tổng khởi nghĩa”.

Trong đợt 1, khi mà mục tiêu chủ yếu là Dinh tỉnh trưởng không chiếm được; Mỹ lại đổ quân vào Bến Tre; Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tỉnh đội đã kịp thời đưa ra quyết định chỉ để lại một bộ phận gọn nhẹ ở lại thị xã kìm chân quân địch; còn đại bộ phận cho rút ra ngoại ô lập thế trận để chuẩn bị sẵn sàng đánh quân Mỹ. Đây thực sự là một quyết định rất kịp thời và sáng suốt.

Kết thúc đợt 1, trong khi ở cơ quan Bộ Tư lệnh Miền và nhiều địa phương đã không kịp thời tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá và rút kinh nghiệm thì ở cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và Bến Tre đã kịp thời tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, đánh giá thắng lợi và nắm lại tình hình; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót. Chính nhờ vậy mà Bến Tre đã có những điều chỉnh linh hoạt và phù hợp, bổ sung kịp thời vào kế hoạch tiến công đợt 2, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất trong các đợt tiến công tiếp theo.

Điểm nổi bật thứ ba của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Bến Tre, đó là việc một mặt chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” của Trung ương Cục và mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu, nhưng mặt khác lãnh đạo, chỉ huy ở Bến Tre còn bày tỏ những băn khoăn, trăn trở; những ý kiến đề đạt lên trên mang tính phản biện phải nói là hết sức táo bạo trong bối cảnh lúc bấy giờ. Những băn khoăn, trăn trở, đề xuất đó hoàn toàn phù hợp với những lời “cảnh báo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kế hoạch “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” mà Bộ Tổng Tư lệnh đã xây dựng trên cơ sở chủ trương, chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Một trong những lưu ý “mang tính cảnh báo” đó là Người lưu ý: “Tranh thủ giành thắng lợi sớm nhưng phải chú ý đánh lâu dài. Nói giành thắng lợi quân sự nhưng phải chú ý đến việc giữ sức dân; nếu sức người, sức của mà kiệt thì quân nhiều cũng không đánh được” (4).

Giành thắng lợi lớn cả về quân sự và chính trị

Không nhiều người biết rằng, sau đợt 1 Mậu Thân, Trung ương Cục phái ông Trần Độ thay mặt Thường vụ Trung ương Cục xuống Khu 8 nắm tình hình. Trong quá trình trao đổi, các ông Sáu Đường (5) - Bí thư Khu ủy và Tám Thương - Tư lệnh Quân khu 8 đã thẳng thắn nêu vấn đề: “Tiếp tục đánh, nhưng phải đánh thế nào để còn giữ thế hợp pháp cho dân”. Vốn đang có tư tưởng “đánh dứt điểm, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân” nên phái viên Trần Độ liền lớn tiếng nói ngay: “Lúc này là phải nổi dậy nắm chính quyền, thằng nào chống lại lập tòa án xử, không có lôi thôi” (6). Sau này, nhân kỷ niệm 20 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, ông Trần Độ cho biết là sau cuộc tranh luận “nảy lửa” đó, ông được gặp gỡ một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở trọng điểm Bến Tre để hiểu thêm và nghe ý kiến của cơ sở thì đều nhận được câu trả lời như vậy. Họ cho rằng ta đánh trận này cũng phải dự kiến không thuận lợi, địch nó trở lại thì làm thế nào. Nó mà quay trở lại thì dân sống ra làm sao? Cho nên không thể không nghĩ đến thế hợp pháp cho dân được. Còn với người dân Bến Tre thì họ nói với phái viên cấp trên rằng “qua” (7) đây khác với các chú bộ đội. Địch quay trở lại, không đánh được các chú “chém vè” một cái là xong, còn “qua” phải ở lại vì còn vợ con, nhà cửa, làng xóm, trâu bò, lợn gà... Mà ở lại phải có cách cho “qua” ở lại chứ... Những trăn trở, những đề xuất của lãnh đạo, chỉ huy ở Khu 8 và tỉnh Bến Tre cùng những ý kiến rất thẳng thắn và rất “thực tế” đó của người dân Bến Tre đã được ông phái viên lĩnh hội về phản ánh kịp thời đến lãnh đạo Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền. Những ý kiến đó đã giúp cho nhiều cán bộ Trung ương Cục nhận thức một cách đầy đủ và nghiêm túc hơn, mang hơi thở của cơ sở hơn trong cuộc đấu tranh giữa tư tưởng “dứt điểm” và “không dứt điểm”, địch quay trở lại thì dân sống ra sao?

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Bến Tre đặt trong “cái nhìn đối sánh” với các địa phương khác ở Khu, Miền có thể thấy nổi rõ một số điểm nổi bật như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, cũng như toàn miền Nam, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy  Mậu Thân 1968 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót mà như Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ, đó là: “Chủ quan trong việc đánh giá tình hình, cho nên đã đề ra yêu cầu chưa thật sát với tình hình thực tế lúc đó; nhất là sau đợt 1 lẽ ra phải kịp thời đánh giá lại tình hình và có chủ trương chuyển hướng kịp thời. Ta đã không nhận thấy có những cố gắng mới của địch trong kế hoạch bình định nông thôn, thực hiện quốc sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Níchxon nên ta tiếp tục bị hút vào đô thị, bỏ lỏng nông thôn... nên gặp nhiều khó khăn trong một thời gian sau đó” (8). Dẫu vậy, nhìn toàn cục, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Bến Tre đã giành được thắng lợi lớn cả về quân sự và chính trị: Quân và dân Bến Tre đã đánh đúng và trúng vào các cơ quan đầu não của địch ở Bến Tre; đồng thời, đánh địch ở hầu khắp các vùng nông thôn mà địch chiếm đóng trên địa bàn tỉnh. Đã giáng một đòn bất ngờ lớn làm cho quân địch hoang mang dao động mạnh; phối hợp nhịp nhàng và chi viện, bổ sung lực lượng kịp thời cho Khu và Miền, góp phần vào thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Khu 8 nói riêng, trên phạm vi toàn miền Nam nói chung.

Đại tá, PGS, TS. Trần Ngọc Long (*)

Theo Báo Đồng Khởi

--------------------------------------------------

(*) Nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

(1) Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Những sự kiện quân sự. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.166.

(2) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre (1990), Bến Tre 30 năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1945 - 1975), Lưu hành nội bộ, Bến Tre, tr.254.

(3) Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9 (1998), Quân khu 8 - 30 năm kháng chiến, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.612