Đã lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức tô bánh canh mặn nước cốt dừa. Từng sợi bột xắt dai dai, màu đỏ của gạch cua quyện trong nước súp sền sệt được nấu bằng nước cốt dừa rất hấp dẫn.
Đi các tỉnh miền Tây Nam bộ, đến đâu cũng có thể tìm được bánh canh với hương vị đặc trưng theo khẩu vị của từng địa phương nhưng điểm đặc biệt chung vẫn là bột gạo xắt, thịt cua hay tôm, cá còn tươi roi rói.
Phụ nữ xứ miệt vườn với sự chịu thương chịu khó, tần tảo lo chuyện bếp núc gia đình, bởi thế, mỗi lần làm bánh canh họ thường tự tay chọn, ngâm gạo rồi cũng tự tay xay để làm nên sợi bánh canh dai dai. Với các bà, các mẹ, hỏi đến ai cũng biết làm bánh, bánh gì cũng có thể làm và còn làm rất khéo, rất ngon.
Bánh canh ở miền Tây Nam bộ đặc biệt ở bột gạo xắt. Bột sau khi nhồi đủ sẽ được xắt thành từng sợi vừa ăn, mỏng vừa đủ bỏ vào nồi nước dùng đang sôi trên bếp và chờ ít phút bánh nổi lên là có ngay những tô bánh canh thơm ngon.
Tô bánh canh tôm, cua nước cốt dừa với đầy đủ hương vị hấp dẫn.
Hơi âm từ bếp củi, hình ảnh mẹ tôi lạch cạch xắt bột bánh canh như hiện ra trước mắt. Tiếng cười nói rôm rả, tiếng rột rột húp bánh canh của chúng tôi làm không khí trở nên nhộn nhịp và ấm cúng. Mỗi lần nấu bánh canh, chị em chúng tôi đứa tách thịt tôm, cua hoặc thái cá, đứa nhồi bột, đứa thì rửa và xắt nhuyễn hành lá vừa hái ngoài vườn. Cha tôi lúc nào cũng được giao nhiệm vụ nạo dừa và tất nhiên công đoạn xắt bánh bao giờ cũng thuộc về mẹ tôi.
Dừa khô nạo vắt lấy nước cốt để riêng, nước dảo cho vào nồi, bắt nồi nước lên bếp, khi nước sôi bừng là bắt đầu xắt bánh canh. Mẹ tôi lấy ít bột đắp vào một cái chai thủy tinh, rồi dùng dao xắt sợi; vừa xắt mẹ vừa xoay theo vòng tròn của chai, ít giây mẹ lại dùng đũa đảo nhẹ cho từng sợi bánh rời ra. Bánh xắt xong, để tôm, cua vừa được tách thịt vào, nêm nếm lại cho vừa ăn, cho nước cốt dừa vào quậy đều và tắt bếp. Ngồi chờ mẹ múc tô bánh mà lòng háo hức, người con đi xa như tôi về nhà chỉ thèm có vậy, bàn tay khéo léo của mẹ hòa cùng vị quê hương.
Tùy thuộc vào khẩu vị mỗi người mà bánh canh còn được biến tấu theo nhiều kiểu như bánh canh tôm, bánh canh thịt heo hoặc bánh canh vịt xiêm, món nào cũng cuốn, ai cũng nên thử ít nhất một lần trong đời.
Bánh canh mặn nấu với nước súp đơn thuần thì nhiều người biết đến và không kén người ăn, còn bánh canh mặn nước cốt dừa có phần kén đối tượng dùng hơn. Song bánh canh mặn nước cốt dừa lại có vị riêng, tạo dấu ấn không thểlẫn vào đâu được đó là vị thơm, béo ngậy của nước cốt dừa.
TheoTHỦY TIÊN (Báo Kiên Giang)