Dấu ấn Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre

17/05/2023 - 14:38

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929), người làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nhà nho yêu nước tiến bộ, có nhân cách sống cao đẹp, một tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân. Mặc dù thời gian cụ đến với Bến Tre khá ngắn ngủi nhưng cụ đã lưu lại mảnh đất này nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng, đó là mở ra và đánh dấu trang sử mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung, với sự tự lực tự cường và lòng yêu nước.

A A

Trong năm Canh Ngọ (1930), theo sự góp ý của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Hòa thượng Khánh Hòa đổi hiệu chùa “Tiên Linh” thành “Tuyên Linh”. 

Sự gặp gỡ của cụ Phó bảng và Hòa thượng Lê Khánh Hòa

Rời chốn quan trường năm 1910, cụ chu du khắp vùng đất Nam Bộ, trong đó có Bến Tre để truyền bá tư tưởng yêu nước, cứu nguy dân tộc mà sinh thời cụ thường nói: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”, nghĩa là quan trường là nô lệ trong đám nô lệ, càng nô lệ hơn.

Vào khoảng cuối năm 1926, đầu năm 1927, trên đường truyền bá tư tưởng yêu nước, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh - lúc bấy giờ là chùa Tiên Linh.

Được sự bảo bọc, giúp đỡ của Hòa thượng Lê Khánh Hòa, một vị cao tăng tinh thông về phật học, trụ trì tại chùa, cụ Phó bảng đã mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân trong vùng và nhiều địa phương lân cận.

Sự gặp gỡ giữa Hòa thượng Khánh Hòa và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Tuyên Linh mang nhiều giá trị và có ý nghĩa lớn. Đó là sự tâm giao giữa hai bậc trí thức ưu thời mẫn thế trong cảnh nước mất nhà tan, sự gặp gỡ giữa hai con người đang nung nấu nhiều nhiệt huyết nhằm đóng góp cho quê hương, đất nước đang bị kẻ thù cai trị và đạo pháp trong buổi suy tàn, sự tương thông giữa một nhà sư uyên thâm phật pháp và một nhà nho từng đỗ đạt khoa bảng.

Trước khi rời chùa Tiên Linh, cụ viết đôi liễn tặng Hòa thượng Khánh Hòa: “Như thị Như Lai, xuất thế khai thông, hướng dẫn mê đồ quy Phật pháp. Trí vi Trí giả, hiện thân thuyết pháp, hô hào tri thức thượng thiên lai”. Tạm dịch: “Đích thực Như Lai, xuất thế khai thông, hướng kẻ mê quay về pháp Phật. Tiên tức Phật, Phật tức tâm, bát vạn trần lao đô tịnh tận. Thật là bậc Trí, hiện thân thuyết pháp, hô hào hàng trí đến cõi Thiên”.

Cụ Sắc cũng tặng cho chùa đôi liễn: “Linh như hư, hư như giác, tam thiên thế giới tổng bao hàm”. Tạm dịch: “Tiên là Phật, Phật ở trong tâm, tám vạn khổ đau đều do tâm tạo. Linh như không có, không mà có, ba ngàn thế giới đều nằm trong đó”.

Nội dung hai câu đối này một lần nữa thể hiện rõ tinh thần cổ xúy, khích lệ công cuộc chấn hưng Phật giáo đương thời phát triển, đồng thời nó cũng phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của chính cụ Sắc là cần phải gấp gáp hướng dẫn quần chúng phật tử quay về chánh pháp, phải kêu gọi đội ngũ trí thức kịp thời dấn thân phục vụ nhân sinh để đất nước mau chóng thanh bình thịnh trị (Hô hào trí thức thượng thiên lai chính là nghĩa này vậy). Theo cụ Sắc, có thực hiện được ý tưởng này thì mới “đích thực là Như Lai, mới đích thực là bậc Trí”.

Còn đối với Hòa thượng Khánh Hòa là một vị cao tăng, uyên thâm về nho học và phật học, là một trong những hòa thượng nổi tiếng ở Nam Kỳ (1924 - 1934). Qua cuộc gặp gỡ, hội ngộ, hai tín đồ phật giáo cùng tâm hướng ấy đã chủ xướng ra phong trào chấn hưng phật giáo, những giai thoại đi vào lịch sử dân tộc về những hoạt động chấn hưng phật giáo nhằm cứu nước giúp đời.

Do đó, kể từ thời điểm này, chấn hưng phật giáo không chỉ thuần túy là một phong trào tôn giáo, mà còn là một phong trào vận động chấn hưng, bảo vệ văn hóa dân tộc, một hoạt động yêu nước.

Xây dựng thế hệ chiến sĩ cộng sản đầu tiên của tỉnh

Trong thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc và các vị cao tăng cùng đi lưu lại chùa, có ông Trần Hữu Chương đã kết hợp cùng với cụ mở lớp dạy học ở trong chùa. Ông Chương là đảng viên Tân Việt được cử xuống làng Minh Đức để gầy dựng cơ sở. Lớp học thu hút nhiều thanh niên, kể cả những người trong hội kín của Nguyễn An Ninh.

Trong thời gian ở vùng đất địa linh nhân kiệt này, cụ Sắc đã đến chùa Vĩnh Bửu (Chợ Thom, Mỏ Cày) sang Ba Tri viếng mộ cụ Đồ Chiểu. Cụ Sắc và ông Chương đã gặp gỡ các ông: Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát… để bàn quốc sự. Sau này, những nhân vật này đã trở thành những người chiến sĩ cộng sản kiên trung - thế hệ chiến sĩ cộng sản đầu tiên của tỉnh, là một trong những đảng viên cộng sản vận động và thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Bến Tre.

Chùa Tuyên Linh đã trở thành điểm hội tụ của các tổ chức và lực lượng yêu nước, là nơi tập hợp bổn đạo, quần chúng yêu nước và những người có chí hướng để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, vận động mọi lực lượng đứng lên đấu tranh giành độc lập, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng lực lượng cách mạng nòng cốt cho huyện Mỏ Cày nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. Nhiều nhà sư là đệ tử của cụ cũng trở thành cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam như sư Thành Nghiêm, Thành Chí, Thái Không, Thành Đạo, Thành Lệ…

Liên quan đến những đảng viên lớp đầu của tỉnh, năm 1926, Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi là hai thanh niên được chọn đi sang dự lớp tập huấn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu về nước và cặp bến Sài Gòn. Phan Trọng Bình là con của Phan Đình Viện, một sĩ phu yêu nước ở Hà Tĩnh bị Pháp an trí ở Sài Gòn. Qua cha mình, Phan Trọng Bình biết Nguyễn Sinh Sắc là cha của Nguyễn Ái Quốc đang nghỉ ở chùa Tiên Linh nên cùng Nguyễn Văn Lợi đến thăm và thông báo tin tức về Nguyễn Ái Quốc. Lúc này, cụ Sắc rất vui mừng khi hay tin con mình chính là Nguyễn Ái Quốc - một nhân vật rất nổi tiếng bấy giờ. Điều này giúp cụ Sắc có thêm động lực, thúc đẩy tinh thần cụ vững vàng trong hành trang khơi dậy và xây dựng phong trào yêu nước ở Nam Kỳ, trong đó có Bến Tre.

Trong năm 1927, được dân chúng cho biết bọn quan chức trong làng đã nghi ngờ trong chùa Tiên Linh có người lạ mặt đang ẩn náu, sư Khánh Hòa bèn mướn ghe bầu, nửa đêm đưa cụ Phó bảng đi theo rạch Tân Hương ra sông Cổ Chiên về Cao Lãnh, Đồng Tháp. Thời gian lưu lại chùa mặc dù không lâu, nhưng những hoạt động của cụ Phó bảng đã góp phần gieo những hạt mầm cách mạng đầu tiên cho nhân dân nơi đây. Những dấu ấn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Tiên Linh càng làm sáng tỏ về cuộc đời của một nhà nho yêu nước, giàu tình yêu thương dân nghèo.

Đổi tên chùa Tiên Linh thành Tuyên Linh

Theo lịch sử ghi nhận, thế kỷ XIX, chùa Tiên Linh đã được xây dựng và có kiến trúc khá đồ sộ, cách chợ Thom khoảng 80m, cạnh con rạch nhỏ. Trước và trong chiến tranh 1914 - 1918, trong làng có nhóm Thiên Địa Hội hoạt động rất mạnh. Khi tổ chức này tan rã, người của nhóm sang tham gia hội kín Nguyễn An Ninh. Cả hai tổ chức yêu nước này đều có quan hệ mật thiết với chùa, nhất là từ khi sư Khánh Hòa về trụ trì.

Sau thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc rời khỏi chùa Tiên Linh để qua Đồng Tháp, mặc dù không còn trở lại chùa nhưng cả hai bậc tiền bối là cụ Sắc và cụ Khánh Hòa vẫn còn liên lạc trong hoạt động chấn hưng phật giáo và phong trào yêu nước. Trong năm Canh Ngọ (1930), theo sự góp ý của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Hòa thượng Khánh Hòa đổi hiệu chùa “Tiên Linh” thành “Tuyên Linh”.

Cặp đối “Tuyên giáo chấn hưng truyền đạo pháp/Linh thông minh đức hiển hương danh” được đặt trước cổng chùa. Cặp đối này cũng đã nói lên được chí nguyện chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Khánh Hòa. Từ đây, tinh thần yêu nước trong phong trào chấn hưng phật giáo của Hòa thượng Khánh Hòa còn được thể hiện rõ nét qua việc liên kết với các nhà yêu nước để hoạt động cách mạng.

Với trí tuệ uyên bác về triết lý phật giáo và mối quan hệ giao hảo với Hòa thượng Khánh Hòa, cụ Sắc vô hình trung trở thành cố vấn cho Hòa thượng trong công cuộc gây dựng tổ chức Phật giáo Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Chính vì thế, trong tạp chí Phật học Duy Tâm năm 1935 đã viết: “Cụ Sắc đã gợi ý sáng tỏ cho cụ Khánh Hòa là phải tổ chức, có tổ chức mới có cơ sở để làm việc, để tạo thế mạnh và hoằng đạo, phải tổ chức thành hội phật giáo. Bấy lâu cụ Khánh Hòa có ý đó, giờ đây được cụ Sắc làm sáng tỏ hẳn lên và cụ Sắc trở thành một lý thuyết gia của cụ Khánh Hòa”.

Qua nhận định này, ta có thể thấy rằng: Cụ Nguyễn Sinh Sắc có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ mà cái nôi là Bến Tre. Đây cũng là chiếc nôi, cội nguồn kết nối nhân sĩ, quy tụ nhân tâm cùng nhau thực hiện những hoạt động yêu nước chống Pháp.

Theo PHƯƠNG DU - CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)