Hiệu quả từ cách làm mới
Sáng 29-8, chúng tôi tìm đến khu đất 30.000 m2 nằm ven sông Tiền, ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) trước đây trồng lúa, trồng hoa màu… hàng năm lợi nhuận thu không cao. Hiện nay khu đất này đã trở thành nông trại sản xuất công nghệ cao rất triển vọng.
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Nông trại Ecofarm Thanh Bình cho biết: “Năm 2015, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi mạnh dạn khởi động mô hình nông trại công nghiệp cao bằng việc qui hoạch lại khu đất từ riêng lẻ sang sản xuất tập trung qui mô lớn; đầu tư nhà kính hiện đại, nhập khẩu từ Israel với hệ thống tưới tiêu và lưới cắt nắng vận hành tự động. Nông trại áp dụng nhà màng để trồng dưa lê, dưa lưới và các loại hoa cảnh. Bình quân 1.000m2 trồng được từ 2.600 - 2.800 cây dưa, sau 65 ngày chăm sóc sẽ cho thu hoạch; trọng lượng từ 1-1,3 kg/trái. Dưa được cung cấp cho thị trường nội địa và các siêu thị với giá từ 45.000- 100.000 đồng/kg, sản lượng không đủ bán. Ngoài giá cao, cái lợi của sản xuất trong nhà kính là bình quân 1 năm canh tác tới 5 vụ, giúp nguồn thu tăng đáng kể”. Theo ông Sơn, tới đây Ecofarm phát triển mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Như vậy, so với canh tác thông thường trước đây, thì nông trại công nghệ cao hiện nay mang lại hiệu quả gấp nhiều lần. Đây cũng là hướng đi của sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Mô hình sản xuất dưa lê trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang nhìn nhận: “Năm 2016 hạn mặn dữ dội khiến cho Kiên Giang thiệt hại khoảng 35.000 ha lúa. Điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng với thị trường và ứng phó phù hợp với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Cùng với điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, bố trí cây trồng hợp lý, thì cần qui tụ nông dân lại để phát triển các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị”.
Lãnh đạo HTX Rạch Lọp, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) bộc bạch: “Chỉ hơn 2 năm chuyển đổi cách làm mới đã đem lại kết quả tích cực. Nếu như trước đây 1.700 ha đất nông nghiệp ở xã sản xuất dạng manh mún nên hiệu quả thấp và thường bị thương lái ép giá. Thấy được những hạn chế này, nên ngành chức năng vận động nông dân vào HTX tổ chức lại sản xuất qui mô lớn, theo thị trường, có hợp đồng liên kết với nhà máy cung ứng vật tư, đơn vị tiêu thụ. Nhờ đó, chi phí giá thành đã giảm 10-15%, giá bán lúa tăng từ 100- 150 đồng/kg”.
Cần qui tụ nông dân vào HTX để sản xuất qui mô lớn có liên kết đầu ra với doanh nghiệp
Lan tỏa tư duy kinh tế nông nghiệp
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khẳng định: “Đồng Tháp phát triển nông nghiệp trên nền tảng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay vì vận hành nông nghiệp theo "tư duy sản xuất" lâu nay, thì giờ đây phát triển nông nghiệp theo "tư duy kinh tế", với mục tiêu "giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến". Nông nghiệp phải là đầu vào của chuỗi ngành hàng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhằm tạo ra giá trị gia tăng thông qua thay đổi chất lượng giống, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của nông nghiệp 4.0 vào quy trình sản xuất; nâng cao sản phẩm chế biến tinh từ các loại nông sản. Ngoài ra, phát huy giá trị của du lịch nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân và tạo dựng hình ảnh một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp bền vững môi trường. Tới đây, công nghiệp và du lịch sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho nông nghiệp; từ đó cơ cấu lại nguồn nhân lực nông thôn. Đây cũng là cách làm nông nghiệp bằng tư duy kinh tế, theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu”.
Các tỉnh ĐBSCL cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy sản xuất kinh tế nông nghiệp
Đồng tình quan điểm trên, theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), vấn đề cấp bách hiện nay là thay đổi tư duy phát triển. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với kinh tế nông nghiệp. “Các sản phẩm nông nghiệp không chỉ để bảo đảm an ninh lương thực mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, phục vụ sức khỏe và phòng chữa bệnh; từ đó tạo nên những thương hiệu nổi tiếng…”, tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề xuất.
Các tỉnh ĐBSCL cần nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp
Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay, gần đây tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; lấy người dân làm trọng tâm, góp phần nâng cao sinh kế và nâng mức sống của người dân nông thôn, từng bước tiếp cận mức sống đô thị. Kiên Giang đã thực hiện phân vùng sản xuất theo từng tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn; chủ động dần trong từng khâu sản xuất giống, thâm canh, chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm nông sản tạo chuỗi khép kín; từng bước thay đổi tư duy sản xuất từ nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp...
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: “Để phát triển nông nghiệp bền vững cần thực hiện “tri thức hóa nông dân”, nhằm làm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng, thích ứng với yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đồng thời, cũng là giải pháp căn cơ đưa các sản phẩm nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tới đây tỉnh sẽ tập huấn nâng cao kiến thức và tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân về quy luật cung cầu, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững…”.
Theo SGGP