Điểm nhấn du lịch đón Tết

13/01/2020 - 09:32

 - Chỉ cần đánh một tour quanh “tứ giác du lịch An Giang” (Long Xuyên -Châu Đốc - Tri Tôn - Thoại Sơn), du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, với những nét đặc trưng của ĐBSCL thu nhỏ: có sông, có núi, có rừng, có chợ nổi, làng bè, cù lao, có văn hóa Kinh, Chăm, Hoa, Khmer …

Mênh mang sông nước

Sinh sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, du lịch ĐBSCL không còn xa lạ đối với nhóm bạn của chị Nguyễn Phương Anh. Tuy nhiên, lần đầu trải nghiệm chợ nổi Long Xuyên, nhóm bạn trẻ vẫn cảm nhận được những thú vị riêng.

“Chợ nổi Long Xuyên khá yên ả, chứ không đông đúc như chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ). Sáng sớm, bao chiếc ghe chở ra chợ nổi với giá 320.000 đồng (đi cùng lúc 10 người), ăn sáng, uống cà phê ngay trên sông nước bồng bềnh, trò chuyện với người dân rất thú vị.

Đặc thù của chợ nổi Long Xuyên là mua bán rau, củ, quả. Từ đây, những sản phẩm tươi xanh của nông dân tỏa đi khắp miệt ĐBSCL. Dù đang mệt mỏi vì cuộc sống, công việc cách mấy, trải nghiệm ra chợ nổi Long Xuyên chỉ trong buổi sáng là thấy cuộc đời vui trở lại” - chị Phương Anh chia sẻ.

Sẵn từ chợ nổi Long Xuyên, nhóm bạn của chị Phương Anh đi chuyến phà Trà Ôn qua Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) để tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Bác Tôn - người được nhân dân Nam Bộ gọi kính mến là “Anh Hai Thắng”; trải nghiệm những vườn cây ăn trái, những món ngon từ cá sông, gà vườn, con hến… ở xứ cù lao Ông Hổ.

“Sau khi trở qua Long Xuyên ghé tham quan Bảo tàng An Giang, chúng tôi đi thẳng lên Châu Phú, qua phà Năng Gù để trải nghiệm du lịch Vàm Nao (xã Tân Trung, Phú Tân). Những thú vui như: đổ lọp cá, hái ấu, bẻ mía và thưởng thức ẩm thực sông nước rất thú vị.

Gần cuối giờ chiều, chúng tôi lên TP. Châu Đốc, thuê tàu ra khám phá làng bè Châu Đốc, ghé làng Chăm Đa Phước (An Phú) để tìm hiểu về nghề nuôi cá vùng đầu nguồn sông Hậu, tìm hiểu cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Sau đó, chúng tôi quay về Châu Đốc để viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, thưởng thức ẩm thực và cảnh đẹp Châu Đốc về đêm” - chị Phương Anh thông tin.

Khám phá núi rừng

Là một chuyên gia dành nhiều thời gian nghiên cứu du lịch An Giang, TS Bùi Thị Ngọc Phương (giảng viên bộ môn Du lịch - Khoa Du lịch và Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang) cho rằng, hoàn toàn có thể thiết kế tour du lịch thú vị khám phá An Giang.

Theo đó, sau khi trải nghiệm Long Xuyên, du lịch Vàm Nao và nghỉ đêm Châu Đốc như nhóm của chị Nguyễn Phương Anh, du khách có thể di chuyển vào khám phá rừng tràm Trà Sư và núi Cấm (Tịnh Biên) vào sáng hôm sau.

Tại Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, Tập đoàn Sao Mai đang đầu tư nhiều hạng mục để thu hút du khách. Nổi bật trong số đó là “lâu đài bồ câu” nằm cặp kênh Trà Sư, lối vào khu du lịch. Giữa rừng tràm mênh mông, những chậu hoa giấy rực rỡ được thả nổi trên mặt nước, tạo điểm nhấn giữa những lớp bèo xanh. Vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tới đây, khu du lịch sẽ đưa vào sử dụng hệ thống cầu tre chạy dài từ điểm đầu cho đến gần ngọn tháp, ngắm toàn cảnh rừng tràm Trà Sư. “Đây sẽ là điểm “check-in” giữa rừng tuyệt đẹp cho du khách” - Giám đốc Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư Đinh Quang Thái giới thiệu.

Rời rừng tràm Trà Sư, du khách có thể tiếp tục hành trình khám phá núi Cấm. Hệ thống cáp treo lên đỉnh núi sẽ giúp du khách quan sát toàn cảnh vùng Bảy Núi, khám phá chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc lớn nhất Châu Á, trải nghiệm những vườn cây trên núi Cấm, món bánh xèo rau núi đặc trưng…

Sau khi xuống núi Cấm, du khách có thể tiếp tục hành trình trên tuyến Tỉnh lộ 948 để khám phá vòng quanh Tri Tôn. Nơi đây có ngọn Phụng Hoàng Sơn nổi tiếng cao 614m, chu vi rộng đến 14.375m. Trên đường khám phá đỉnh núi, du khách có thể “check-in” với chữ “TRI TÔN”, nghỉ ngơi ở sân Tiên (tương truyền in dấu chân sau của Phật, còn dấu chân trước thì nằm ở động Thủy Liêm trên núi Cấm), khám phá điện Năm Căn, Vồ Hội…

Những hồ nước rộng lớn cặp theo chân núi ở Cô Tô là địa điểm lý tưởng để khách tìm đến sự bình yên, có những bức ảnh đẹp lung linh và tự do thưởng thức ẩm thực Tri Tôn, đặc biệt là món gà đốt ở hồ Ô Thum. Từ đây, tiếp tục khám phá đồi Tức Dụp - ngọn đồi gắn với chiến tích hào hùng của quân dân An Giang, được quân Mỹ đặt tên là “Ngọn đồi 2 triệu đô-la”.

Sau khi loanh quanh Tri Tôn, du khách có thể nghỉ đêm tại đây để thưởng thức ẩm thực đêm độc đáo, thăm công viên Nguyễn Trãi, Nhà Thiếu nhi Tri Tôn, những nơi có thể thoải mái “check-in” với những bức bích họa lớn về cảnh đẹp Tri Tôn, do chính những giáo viên mỹ thuật trên địa bàn huyện thực hiện. Sáng hôm sau, du khách tiếp tục hành trình khám phá Thoại Sơn.

Món bún sả nổi tiếng của người Khmer Ba Thê sẽ làm món điểm tâm thú vị cho du khách trước khi khám phá núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) với những địa danh như: Thạch Đại Đao, Bàn Chân Tiên, Linh Sơn Cổ Tự, đặc biệt là Văn hóa Óc Eo. Sau đó là hành trình khám phá lòng hồ Ông Thoại, đường lên núi Sập (thị trấn Núi Sập), thưởng thức món bánh canh tép Thoại Sơn nổi tiếng trước khi ra lại TP. Long Xuyên. “Với tour 3 ngày, 2 đêm, gần như toàn bộ cảnh đẹp An Giang đã được khám phá. Đó là trải nghiệm rất thú vị với chi phí hợp lý” - TS Bùi Thị Ngọc Phương đánh giá.

HOÀNG XUÂN