Đình Bình Thủy - Mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng

23/02/2021 - 09:47

Đình Bình Thủy tọa lạc tại ấp Bình Thủy, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; nằm trong khu vực đông dân cư, cạnh đường dal, ô tô chạy đến đình rất thuận tiện. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, cơ sở thờ tự văn hóa và từng là căn cứ cách mạng.

A A

Nơi sinh hoạt tín ngưỡng

Theo các ông bà cao niên ấp Bình Thủy, đình Bình Thủy có từ thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), ban đầu tọa lạc gần ngã ba sông Cầu Đình, gọi là cầu Đình (thuộc ấp Bình Thủy). Đình được xây dựng có nhà Tổ, vỏ ca, nhà hậu, nhà nấu ăn. Lúc đó cửa chánh đình hướng về hướng Tây. Giai đoạn này, đất xây đình của gia đình ông Lê Tấn Phúc (thường gọi ông Cả Bảy).

Sau đó (năm 1939), gia đình họ Lê có ông Lê Tấn Trước hiến 4.000 m2 đất, cũng tại ấp Bình Thủy, để di dời đình. Từ đó, phần đất hiện nay của ông Hai Vòng (quản lý đình), xây dựng lại đình Bình Thủy y như cũ, nhưng cửa chánh hướng về hướng Bắc. Đình được xây có nhà Tổ, vỏ ca, nhà hậu, nhà nấu ăn.

Nhà Tổ có chánh điện thờ Tiên sư, ở giữa thờ Chánh thần, bên phải thờ Tiền hiền, bên trái thờ Hậu hiền; ngang với khu thờ Chánh thần phía bên phải thờ Văn đức và Tiền vãng, bên trái thờ Võ oai. Phía sau nhà Tổ có hậu vãng, kho và khu nhà bếp. Bên phải nhà Tổ có đông lang, bên trái có tây lang.

Phía trước nhà Tổ có vỏ ca, bàn thờ Thần Nông ở giữa, bên trái miếu thờ Ông Hổ, bên phải miếu thờ Bà Chúa Xứ. Xung quanh có các vườn cây kiểng và cây ăn trái, tạo khuôn viên thoáng mát, thanh tịnh. Vật liệu, kết cấu dùng để xây dựng đình chủ yếu là những vật liệu truyền thống: Gỗ, ngói âm dương, gạch, đá, tôn, xi măng... Nhìn chung, đình Bình Thủy có bố cục xây dựng và chất liệu theo truyền thống đình Nam bộ.

Cổng đình Bình Thủy

Trước đây, Lễ hội Kỳ Yên (cúng đình) được tổ chức 3 lần trong năm, vào ngày 16 của tháng 7, tháng 9 và tháng 11 âm lịch, cầu nguyện cho đất nước thái bình, thịnh vượng, toàn dân cơm no, áo ấm, mưa thuận, gió hòa. Vào ngày này, người dân khắp nơi quay về tụ tập giết heo để tế thần đình, heo được mổ xong được mang lên tế sống, sau đó mới đi nấu cúng. Vào dịp này, đình thường tổ chức hát bội. Đến năm 1959, ông Lê Tấn Trước tuổi cao nên bà Cai Việt Chiên thờ cúng.

Nơi hoạt động cách mạng

Trong thời kỳ 1959 - 1960, đình Bình Thủy được chọn làm địa hình căn cứ cách mạng. Đến lệ cúng đình, bà con không vào địa hình được, do đó tổ chức cúng ở đất ruộng ngay cửa đình, do điều kiện khó khăn nên chỉ còn 2 lệ cúng cho đến ngày nay, cụ thể vào ngày 16  của tháng 3 và tháng 11 âm lịch.

Trong chiến tranh, đình Bình Thủy bị bom đạn tàn phá thiệt hại nặng, bà Cai Việt Chiên phải mang Sắc Thần đình đến chùa Đồng Linh gửi, sau đó bị thất lạc. Đến năm 1976, bà Cai Việt Chiên tuổi cao qua đời, việc thờ cúng đình do ông Hai Phẩm tiếp quản; đến năm 1982 ông Năm Hùng; đến năm 2006 ông Nguyễn Văn Chính.

Bảo tồn cơ sở thờ tự văn hóa

Năm 2010, UBND xã ra Quyết định thành lập Ban Phụng sự đình Bình Thủy gồm 27 thành viên do ông Nguyễn Văn Chính làm Trưởng ban, để kế thừa, quản lý và tổ chức phụng sự đình đảm bảo trang nghiêm theo thông lệ của đình.

Nhờ sự thống nhất của chính quyền xã, sự hỗ trợ đóng góp của bà con gần xa và Ban Phụng sự đình tích cực phát tâm, hỗ trợ tinh thần và vật chất nên năm 2010 khuôn viên đình được sửa chữa lại khang trang, thoáng mát. Đến năm 2014, UBND và Ủy ban MTTQ xã triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở thờ tự văn hóa, đình Bình Thủy tiếp tục được sửa chữa lại khuôn viên, nơi thờ cúng. Năm 2015, đình Bình Thủy được UBND huyện Chợ Gạo công nhận danh hiệu Cơ sở thờ tự văn hóa.

Thời gian qua, để bảo tồn cơ sở thờ tự văn hóa đình Bình Thủy đã được tu bổ 2 lần, nhưng do thời gian quá lâu, các ngói âm dương đã xuống cấp, dột nát, ảnh hưởng đến khu vực thờ cúng, đặc biệt là khu chánh điện, bà con trong vùng đã và đang quyên góp tiền để tu bổ lại, nhưng vì kinh phí có hạn nên chỉ lợp lại phần ngói âm dương bị hỏng, không thể thay toàn bộ khu chánh điện.

Theo KIM TRUYỆN (Báo Ấp bắc)