Định hướng phát triển nông nghiệp Bạc Liêu năm 2023

02/01/2023 - 09:32

Dự báo năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, xâm nhập mặn. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi áp lực cạnh tranh của thị trường về chất lượng, giá thành sản phẩm. Vượt qua mọi khó khăn, tỉnh hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng; từng bước xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại và bền vững.

A A

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Tấn Cận trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể.

Các chỉ tiêu mới

Trong năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét. Đặc biệt, từ việc xác định được 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần tạo khí thế mới, mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.

Song bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp - nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động của BĐKH ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sản xuất và đời sống người dân. Trong khi nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất khá lớn nhưng nguồn ngân sách lại hạn chế, nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật cao còn quá ít… Vì vậy, đòi hỏi phải có sự nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, cần có mục tiêu, giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả. 

Năm 2023, ngành Nông nghiệp đưa ra các chỉ tiêu cụ thể như: tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 507.000 tấn, tăng 10,03% so với cùng kỳ (SVCK); trong đó, sản lượng tôm 257.000 tấn. Về sản xuất lúa, diện tích gieo trồng gần 196.000ha, tăng 3,72% SVCK; sản lượng 1.228.000 tấn, tăng 2,94% SVCK. Đàn heo 211.000 con; đàn trâu, bò, dê hơn 11.000 con và đàn gia cầm 3,4 triệu con. Diện tích diêm nghiệp 1.381ha, sản lượng muối 25.000 tấn, tăng 59,26% SVCK. Diện tích có rừng hơn 3.522ha (rừng phòng hộ ven biển 3.273ha, rừng đặc dụng 222,43ha, rừng sản xuất 26,44ha). Về xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh sẽ có 4/7 đơn vị cấp huyện hoàn thành/đạt chuẩn NTM; 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…

Mục tiêu của ngành Nông nghiệp tỉnh là hướng đến phát triển nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, thích ứng với BĐKH, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị; lúa gạo chất lượng cao gắn với phát triển các cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp lợi thế của từng vùng; phát triển bền vững, toàn diện. Theo đó, tiếp tục phát huy vai trò trụ cột của nền kinh tế; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa đô thị và nông thôn. Phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”…

Các doanh nghiệp bao tiêu thu mua tôm cho các hộ dân nuôi tôm công nghệ cao ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu).

Định hướng phát triển

Thời gian qua, Bạc Liêu đã cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực; khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu với chuỗi giá trị. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng. Nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng NTM, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2023, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, ngành sẽ tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện lịch thời vụ sản xuất. Tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”; thực hiện các giải pháp phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh. Ứng dụng rộng rãi nuôi trồng thủy sản có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic, ASC, MSC… Tiếp tục thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc; củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng được nhu cầu tôm giống phục vụ sản xuất trong và ngoài tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, làm cơ sở lan tỏa và từng bước đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị một cách chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Song song đó, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, thức ăn thú y, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực: lúa gạo chất lượng cao và đặc sản; rau quả công nghệ cao. Xây dựng các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực ở từng vùng sinh thái.

 Lộ giao thông nông thôn mới xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình).  Ảnh: M.Đ

Ngoài đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn, ngọt; nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng, tỉnh còn phát triển hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ; từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Xây dựng các cánh đồng lớn, chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững và liên kết bao tiêu lúa gạo; xây dựng chỉ dẫn địa lý, sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu.

Phát triển sản xuất “lúa thơm, tôm sạch” đảm bảo an toàn chất lượng, tăng cường cấp mã số vùng trồng. Khuyến khích sản xuất hữu cơ; nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây có giá trị. Xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM, quan tâm phát triển du lịch sinh thái nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn…

Theo Báo Bạc Liêu