Đồng bằng sông Cửu Long: Ưu tiên các giống lúa cho năng suất cao và phục vụ xuất khẩu

23/09/2022 - 09:50

Sáng ngày 22-9, tại thành phố Cần Thơ, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Thu đông, vụ mùa năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân 2022-2023 vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

A A

Báo cáo của Cục Trồng trọt cho thấy, diện tích gieo trồng ước năm 2022 tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 3,9 triệu héc-ta, với năng suất bình quân là 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24.129 tấn, tương đương so với cùng kỳ các năm trước. Mặc dù diện tích tổng thể gieo trồng lúa năm 2022 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có giảm để chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác, tuy nhiên, năng suất lại gia tăng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.

Nông dân đã nhận thức và thay đổi tập quán gieo sạ lúa mật độ cao. Lượng giống lúa gieo sạ <100 kg/ha bước đầu tăng hơn 2% so với vụ Thu đông 2021, lượng giống gieo sạ từ 100-150kg/ha tăng hơn 7%, đặc biệt lượng giống gieo sạ >150kg/ha giảm rõ rệt, gần 8,6%. Ngoài ra, việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, như: san lấp phẳng đồng ruộng, áp dụng máy sạ hàng và máy cấy… góp phần hiệu quả vào việc giảm lượng giống lúa gieo sạ của vùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Lê Quốc Doanh cho biết, trong vụ Đông xuân 2022-2023 tới, nông dân cần cố gắng xuống giống sớm, nhất là phần diện tích hơn 400ha ở các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long để tránh hạn mặn có thể xảy ra. Cơ cấu giống lúa, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý các địa phương cần chú trọng lựa chọn, ưu tiên các giống lúa cho năng suất cao và phục vụ xuất khẩu. Cân đối vừa phải tỷ lệ giữa chế biến cũng như nhóm giống đặc sản, lúa thơm, phát huy lợi thế của vùng. Về kỹ thuật canh tác, cần hướng đến nâng cao năng suất, hiệu quả, thông qua giảm giá thành sản xuất…

Theo Báo Hậu Giang