Săn sóc viên đóng góp không nhỏ trong thành tích chung của vận động viên ở mỗi giải thi đấu.
Săn sóc viên... kiêm nhiệm
Gắn bó với võ thuật hơn chục năm và đang đảm trách vai trò huấn luyện viên võ cổ truyền huyện Long Mỹ, anh Ngô Hoàng Lực kiêm luôn vị trí săn sóc viên khi dẫn đội thi đấu. Anh Lực chia sẻ: “Tôi là huấn luyện viên nên hiểu rõ trình độ chuyên môn, thế mạnh, điểm yếu từng em, khi thực hiện nhiệm vụ săn sóc viên sẽ khá thuận lợi. Tôi ngồi ngoài quan sát rồi hướng dẫn các em điều chỉnh lối đánh phù hợp để hóa giải mảng miếng của đối thủ”.
Sẽ khá vất vả cho huấn luyện viên khi phụ trách luôn nhiệm vụ săn sóc viên nhưng lại thuận lợi trong nhiệm vụ chỉ đạo chiến thuật thi đấu, kịp thời đưa ra những giải pháp xử lý tình huống, làm động lực tinh thần quan trọng…
Dù ít được tham gia tập huấn kỹ năng, chủ yếu đúc kết từ kinh nghiệm bản thân khi dự các giải nhưng săn sóc viên đều làm tốt vai trò của mình. Họ chăm lo gần như mọi nhu cầu của vận động viên, đảm đương khá nhiều công việc vốn cần kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn. Thật khó để kể hết từng công việc như hỗ trợ tiếp nước, xoa bóp, mặc giáp, vận chuyển dụng cụ, khích lệ tinh thần trước mỗi trận đấu… Làm sao để vận động viên hòa nhập nhanh nhất, thi đấu tốt nhất.
Tùy thuộc vào giải đấu, nguồn nhân lực cụ thể, nhiều đội tham gia tranh tài còn cử những vận động viên lâu năm, có kinh nghiệm thi đấu làm nhiệm vụ săn sóc viên. Mỗi trận đấu đi qua, kinh nghiệm tích lũy càng nhiều, vận động viên đóng vai trò săn sóc viên càng cải thiện kỹ năng, trưởng thành về mặt tinh thần, ý thức kỷ luật, rèn sự tự tin, khả năng ứng biến.
Em Đào Thị Mỹ Thanh, săn sóc viên đội taekwondo thị xã Long Mỹ, cho biết: “Từng là vận động viên, thấy các bạn thi đấu vất vả nên em xắn tay vào làm những gì có thể, góp một phần nhỏ cho thành công của đội. Mỗi bạn có những cá tính, nhu cầu khác nhau nên bản thân em phải luôn linh hoạt và tìm cách tiếp cận phù hợp”.
Săn sóc viên cũng làm việc vất vả không thua gì vận động viên
Săn sóc viên có vai trò đặc biệt, kết quả làm việc tốt hay không có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình thi đấu của vận động viên. Dù chẳng ai trả thù lao nhưng săn sóc viên đều chăm lo cho vận động viên, những người đồng đội thật tốt bằng tinh thần trách nhiệm. Người này thi đấu người còn lại sẽ hỗ trợ, chăm sóc giúp nhanh chóng hồi phục sau thời gian tranh tài căng thẳng và ngược lại, đó là cách giải quyết cấp bách trong điều kiện thiếu nguồn lực.
Ông Phạm Văn Tài, huấn luyện viên đội bóng chuyền tỉnh, cho biết: “Do lực lượng ít, chỉ đủ tham gia thi đấu, chưa có chế độ riêng dành cho vị trí săn sóc viên nên vận động viên đội phải đảm trách luôn việc này. Là môn đồng đội, số lượng vận động viên cần được chăm sóc một lúc đông nên chúng tôi gặp khó để làm tốt vai trò săn sóc viên”.
Vào giờ hội ý hay nghỉ giải lao, số lượng vận động viên cần được chăm sóc, lau mát, chườm lạnh,… sẽ tăng nhiều nên khó khăn cho đội để hỗ trợ. Trong khi huấn luyện viên phải thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo chiến thuật. Đó là thực trạng mà các môn thể thao đồng đội tỉnh đang đối mặt khi bước vào cuộc tranh tài. Ban huấn luyện chỉ cố gắng uyển chuyển, csắp xếp sao cho phù hợp, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có.
Trong quá trình đào tạo thể thao chuyên nghiệp, săn sóc viên còn hỗ trợ huấn luyện viên theo dõi tiến độ phát triển, phong độ của vận động viên để tìm phương pháp, giáo án chiến thuật phù hợp, đảm bảo tạo nền tảng thể lực tốt nhất.
Sau mỗi tấm huy chương, mỗi thành tích vẻ vang thường gắn liền với tên tuổi vận động viên. Nhưng ít ai biết rằng, săn sóc viên cũng làm việc vất vả không thua gì vận động viên, điều đáng quý là niềm đam mê công việc giúp họ luôn giữ tinh thần hết lòng vì thành công chung.
Theo HỒNG NHUNG (Báo Hậu Giang)