Mô hình sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã sản xuất – tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận
Thay đổi tư duy để thích ứng với xu hướng mới
Những năm gần đây, khái niệm về phát triển nông nghiệp xanh - bền vững được các chuyên gia nông nghiệp nhắc đến nhiều trên các diễn đàn. Các chuyên gia khẳng định, phát triển nông nghiệp xanh là một xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Trên tinh thần đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự nhập cuộc của các doanh nghiệp (DN) “đầu tàu”. Đặc biệt, nhân tố quan trọng nhất chính là sự quyết tâm thay đổi tư duy làm nông nghiệp của bà con nông dân.
Chia sẻ về vấn đề này với nông dân tỉnh Đồng Tháp tại buổi tọa đàm về “Sản xuất nông nghiệp xanh trên Đất Sen hồng” do Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức vừa qua, ông Lê Minh Hoan - Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhấn mạnh, hiện nay, sản xuất nông nghiệp xanh - bền vững là xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Do đó, để có thể bắt nhịp với xu hướng mới, cần phải thực hiện nhiều việc. Trong đó, vấn đề mấu chốt nhất là người nông dân phải thay đổi tư duy và cách làm của mình. Hiện nay, thị trường thế giới ưu tiên tiêu dùng những thực phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do đó, để nắm bắt cơ hội, bà con nông dân cần quan tâm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời sản xuất không gây tổn hại đến môi trường tự nhiên để tránh tình trạng “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
Hiểu rõ tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp xanh - bền vững, nhiều năm qua, Đồng Tháp triển khai các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, canh tác lúa lý tưởng, sản xuất nông nghiệp thuận hiện, mô hình sản xuất rau màu và cây ăn trái theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ứng phó với biến đổi khí hậu... Các mô hình này bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực cho nền nông nghiệp Đất Sen hồng. Nhờ thay đổi cách làm, đầu tư nhiều hơn cho chất lượng nên nông sản của tỉnh nhà được phân phối rộng rãi tại các kênh phân phối chuyên nghiệp thị trường trong nước. Đồng thời được xuất khẩu tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thời gian qua, với sự nỗ lực không ngừng của nông dân trồng xoài, hiện sản phẩm xoài của Đồng Tháp được nhiều DN lựa chọn để chế biến và xuất khẩu. Bà Đinh Kim Nhung - Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp tâm sự: “Để có thể thu được “quả ngọt” như hôm nay đó là cả một hành trình cố gắng, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, sự dấn thân của các DN. Và điều quan trọng hơn chính là sự thay đổi nhận thức và đoàn kết của nhiều nông dân Đồng Tháp. Nếu người nông dân không chịu thay đổi tư duy và cách làm thì các DN xuất khẩu và chế biến không có cơ hội “mang chuông đi đánh xứ người” những năm qua”.
Sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã sản xuất – tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận được địa phương hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác chuyên nghiệp
Chuyên nghiệp để phát triển bền vững
Câu chuyện về trái xoài Cao Lãnh là ví dụ chân thực về sự cố gắng nỗ lực thay đổi của nông dân Đồng Tháp trong việc chinh phục thị trường. Ngoài trái xoài, Đồng Tháp vẫn còn khá nhiều nông sản chất lượng có tiềm năng xuất khẩu tốt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để người nông dân chuyển từ tư duy chú trọng sản lượng sang tư duy đầu tư cho chất lượng đó là cả một quá trình. Nhằm giúp các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững hơn, cần có sự vào cuộc và giúp sức của Nhà nước. Bên cạnh việc hỗ trợ cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích nông dân chuyển đổi thì các đoàn thể ở các cấp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong công tác vận động nông dân cùng nhau liên kết sản xuất nông nghiệp sạch – nông nghiệp bền vững. Bởi khi có được một vùng nguyên liệu đủ rộng lớn, nông dân mới tạo được thương hiệu cho nông sản và thu hút DN đến kết nối. Từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến gần hơn với thị trường, các ngành và địa phương cần quan tâm tạo các “quầy hàng nông sản sạch” tại các chợ truyền thống để người tiêu dùng tiếp cận và ủng hộ nông sản chất lượng của địa phương.
Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhiều năm qua sản phẩm xoài của Đồng Tháp được xuất khẩu tại nhiều quốc gia trên thế giới
Nhìn nhận về vai trò của DN trong chuỗi sản xuất nông nghiệp xanh – bền vững, PGS.TS Phạm Thị Vượng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ sinh học Quế Lâm cho rằng, phát triển nông nghiệp xanh là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu này, bên mạnh sự nỗ lực của nông dân thì vai trò của các DN là hết sức quan trọng. Bởi chính DN sẽ đóng vai trò làm “đầu tàu” trong việc giúp nông dân tìm kiếm thị trường, hỗ trợ nông dân tiếp cận với những giải pháp sản xuất nông nghiệp tiên tiến giảm giá thành trong sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Thông tin về định hướng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà. Nhiều năm qua, Đồng Tháp dành nhiều chính sách trong việc thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng xanh – bền vững giúp nông dân thay đổi tư duy canh tác. Bên cạnh đó, tỉnh còn phối hợp với nhiều viện, trường và DN triển khai nhiều mô hình sản xuất hiện đại, giúp nông dân giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm... Để sản phẩm nông nghiệp của Đồng Tháp từng bước chuyên nghiệp hơn, tỉnh còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì cho sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước... Từ đó, giúp nông dân có thể phát triển kinh tế ổn định và gắn bó bền vững với nông nghiệp...
Theo Báo Đồng Tháp