Ông Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tiếp xúc cử tri để ghi nhận các kiến nghị của người dân
Trong đó, thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Nghị quyết năm 2023 của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp bằng nhiều hình thức đối với 17 dự án Luật, 4 Nghị quyết trình Quốc hội. Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đều tổ chức lấy ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN), các sở, ngành tỉnh và cử tri đối với những nội dung mới, nội dung còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều đổi mới trong việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật gắn với hoạt động thực tiễn của các sở, ngành, đơn vị; chú trọng lựa chọn thành phần mời tham dự hội nghị am hiểu về pháp luật, có kinh nghiệm, khả năng nghiên cứu góp ý chuyên sâu đối với lĩnh vực mà dự thảo luật điều chỉnh. Với nhiều hình thức tổ chức phong phú, phù hợp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, thiết thực đối với nhiều dự án luật, làm cơ sở để nghiên cứu, phản biện tại các kỳ họp Quốc hội, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự án luật.
Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả và không làm cản trở đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Qua giám sát kịp thời kiến nghị khắc phục và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn; đồng thời kiến nghị, đề xuất tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật có liên quan.
Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phối hợp với Thường trực HĐND, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức 7 chuyên đề giám sát và 4 cuộc khảo sát. Qua giám sát, có 29 kiến nghị đối với Trung ương về sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách, pháp luật và 22 kiến nghị đối với địa phương nhằm đôn đốc trách nhiệm xem xét, giải quyết. Qua hoạt động giám sát đã góp phần nâng cao nhận thức trong thực thi pháp luật đối với cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các ĐBQH trong Đoàn thường xuyên quan tâm giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của các Bộ, ngành và địa phương, qua đó kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc bất cập; những vấn đề nóng được cử tri và Nhân dân quan tâm tại các phiên chất vấn và trả chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, ĐBQH trong Đoàn đã tham gia các Đoàn giám sát của các Ủy ban thuộc Quốc hội như: giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài” của Ủy ban Đối ngoại; giám sát chuyên đề “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2022” của Ủy ban Tư pháp.
Hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến Nhân dân được thực hiện rộng rãi bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới, thu hút được sự lắng nghe, góp ý của cử tri. Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức 44 buổi tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội tại 12 huyện, thành phố; 2 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề kết hợp lấy ý kiến các dự án luật với trên 5.100 lượt cử tri tham dự. Qua đó đã ghi nhận trên 650 lượt ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương...
Đạt được những kết quả trên là do sự quan tâm của cấp ủy Đảng, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; tinh thần trách nhiệm của các vị ĐBQH; sự tích cực trong tham mưu, tổ chức phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi công dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể tập trung vào các hoạt động chính. Trong đó, đối với hoạt động xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến góp ý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8, đảm bảo các dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, có liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân đều được tổ chức lấy ý kiến kịp thời, chất lượng.
Đối với hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức giám sát các chuyên đề: Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng Quốc gia đến hết năm 2023; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”...
Cùng với đó, giám sát việc thi hành pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trên địa bàn tỉnh; tham gia giám sát các báo cáo trình tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8, Quốc hội khóa XV; các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng thời tham gia cùng các Đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đến làm việc tại địa phương; tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh.
Về hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh xây dựng Kế hoạch tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Quốc hội khóa XV; tiếp xúc cử tri chuyên đề, lấy ý kiến chuyên sâu đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan đến một số dự thảo luật. Đồng thời phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh; các sở, ban, ngành liên quan để lấy ý kiến đóng góp dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp và nghe phản ánh về tình hình kinh tế - xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương cần kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Ngoài ra, ĐBQH là ủy viên các Ủy ban của Quốc hội tham gia hoạt động của các Ủy ban theo nhiệm vụ được phân công; làm cầu nối, giữ mối liên hệ phối hợp tốt giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương; tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh trong tổ chức các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, các hoạt động an sinh xã hội, tri ân tại địa phương...
Theo THANH TRÚC (Báo Đồng Tháp)