Thu hoạch cá tra tại TP Hồng Ngự
Nhiều điểm sáng tại Lễ hội Cá tra
Lễ hội Cá tra Hồng Ngự lần I - năm 2022 thu hút hơn 20.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đây không chỉ là cơ hội để Đồng Tháp quảng bá tiềm năng về thế mạnh của ngành hàng cá tra mà còn là cơ hội để lan tỏa nhiều giá trị văn hóa ẩm thực từ loài thủy sản này.
Ngoài không gian trải nghiệm và khám phá ẩm thực từ cá tra với những cung đường đặc sản, trong khuôn khổ của Lễ hội đã diễn ra hội thi ẩm thực “Thăng hoa cùng món ngon cá tra Hồng Ngự”, góp phần đưa hình ảnh cá tra vươn ra biển lớn, đến gần hơn với du khách gần xa. Chị Thái Thị Linh ngụ phường An Thạnh, TP Hồng Ngự, chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ, không nghĩ cá tra có thể chế biến rất nhiều món ngon như thế. Có những món lần đầu tôi thưởng thức. Chắc chắn, tôi sẽ giới thiệu đến người thân và gia đình những món ngon từ cá tra thông qua Lễ hội này”.
Không chỉ công phu trong cách nấu nướng, chăm chút từ khâu chọn nguyên liệu, trang trí tỉ mỉ từng chi tiết, món ngon từ cá tra càng thêm đậm đà hương vị khi được kết hợp với những sản vật đặc trưng địa phương, đem lại hương vị và hình ảnh rất khác về con cá tra Hồng Ngự, Đồng Tháp trong mắt du khách gần xa. Đây là thành quả và cũng là tình cảm của hơn 50 đầu bếp mang đến cho hội thi và mảnh đất Đồng Tháp.
Bên cạnh các hoạt động vui chơi giải trí, Lễ hội Cá tra lần I - năm 2022 còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng thông qua các chương trình hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các tour Famtrip, Presstrip và Businesstrip tham quan các hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến cá tra...
Không gian triển lãm và phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, cũng là cơ hội để các DN, đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng và các sản phẩm OCOP của địa phương. Chị Trần Thụy Hải Ly - chủ hộ kinh doanh snack vỏ bưởi sấy Phúc Đạt (TP Sa Đéc), cho biết: “Tôi cảm thấy rất tự hào khi địa phương tổ chức một chương trình Lễ hội quy tụ nhiều hoạt động thú vị, mới lạ và hoành tráng như thế từ chính những nguồn lực của địa phương. Đặc biệt, tính “mở” của Lễ hội đã tạo cơ hội cho DN, cơ sở sản xuất tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
Với tâm huyết cho một kỳ Lễ hội thành công, ông Lê Hà Luân - Bí thư Thành ủy Hồng Ngự nhìn nhận: “Lễ hội đã tác động sâu sắc đến ý thức của người dân vùng Hồng Ngự về cá tra, nêu cao niềm tự hào về nơi được xem là “Thủ phủ của cá tra”. Đó là động lực để người dân, DN vùng Hồng Ngự có ý thức trách nhiệm giữ vững hình ảnh con cá tra tiếp tục vững chãi “vươn ra biển lớn”, giữ vai trò tiên phong trong việc ươm tạo giống, nuôi cá tra theo công nghệ tiên tiến, đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường... góp phần giữ vững sự ổn định, bền vững của một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, của khu vực”.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Lễ hội nhằm giới thiệu, tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu cá tra. Đồng thời tạo điều kiện cho các DN, nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật và thiết bị công nghệ ứng dụng trong ngành thủy sản”.
Hướng phát triển bền vững ngành hàng cá tra
Tại các buổi hội thảo trong khuôn khổ Lễ hội Cá tra lần I - năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để cá tra “vươn ra biển lớn”, cần các giải pháp phát triển cho ngành hàng cá tra như: đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa nông dân và DN; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ; dự báo tình hình cung - cầu và đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tuần hoàn để gia tăng giá trị. Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống; chất lượng di truyền về một số tính trạng về kháng bệnh, tỉ lệ phi lê, chịu mặn... và việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...
Chị Phan Thị Kim Diệu - chủ Cơ sở Nước mắm cá linh Dì Mười tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Lễ hội, kỳ vọng: “Sau sản phẩm nước mắm, thời gian qua, tôi đã nghiên cứu làm khô cá tra phi lê nhằm phục vụ nhu cầu thị trường. Thông qua Lễ hội Cá tra, giúp các DN, cơ sở sản xuất giới thiệu, kết nối đến đông đảo khách hàng, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị cho sản phẩm cá tra. Đồng thời, lắng nghe những ý kiến khách hàng để khi trở về sản xuất có những bổ sung hợp lý cho sản phẩm”.
Theo UBND TP Hồng Ngự, thời gian qua, các ngành, các cấp thuộc địa phương tập trung phát triển khoa học công nghệ cũng như mạnh dạn đầu tư của người nông dân, DN cho ngành hàng cá tra. Đến nay, cá tra đã vươn ra hầu hết các thị trường thế giới, kể cả những thị trường khó tính. Ông Lê Hà Luân - Bí thư Thành ủy Hồng Ngự, cho biết: “Thành phố tiếp tục rà soát quy hoạch nuôi trồng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, xử lý môi trường các vùng nuôi, hỗ trợ người dân cải tiến công nghệ ươm tạo giống đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh đầu tư cụm công nghiệp chế biến các sản phẩm cá tra để nâng cao giá trị gia tăng, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong khu vực”.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, qua các hoạt động Lễ hội, càng cho thấy rõ, cá tra không chỉ là nguồn lợi thủy sản riêng có của Đồng Tháp mà trở thành nguồn lợi của ĐBSCL và mang hình ảnh của một Quốc gia. Do đó, kế thừa những kết quả từ các hoạt động của Lễ hội, cần viết nên câu chuyện con cá tra của ĐBSCL nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Câu chuyện mang tính chất lịch sử của ngành hàng chủ lực tỷ đô cấp Quốc gia, phải là câu chuyện kể về hành trình từ con cá tự nhiên đến con cá có dấu ấn bàn tay con người, đó là người nông dân, DN, nhà khoa học đã tạo ra giá trị gia tăng gấp nhiều lần, tạo ra sinh kế cho hàng trăm ngàn người dân, tạo ra doanh thu cho hàng trăm DN và hàng triệu người sống xung quanh vùng sông nước, sông Tiền và sông Hậu”.
Theo KHÁNH PHAN (Báo Đồng Tháp)