Đồng Tháp: Người phụ nữ hơn 30 năm làm đèn trung thu truyền thống

25/09/2023 - 15:34

“Bén duyên” với nghề làm lồng đèn trung thu truyền thống năm 27 tuổi, bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân (SN 1963) ngụ Phường 2, TP Cao Lãnh vẫn bám nghề hơn 30 năm qua. Dù theo thời gian, nghề làm lồng đèn truyền thống dần mai một, nhưng bằng tình yêu nghề và sự trân quý giá trị văn hóa của dân tộc, người phụ nữ U60 vẫn miệt mài làm ra những chiếc lồng đèn truyền thống, góp thêm niềm vui cho trẻ em trong những dịp Tết Trung thu…

A A

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân thực hiện công đoạn dán giấy màu cho lồng đèn hình chiếc xuồng câu

Những ngày đầu tháng 8 âm lịch, khi Tết Trung thu Quý Mão đang đến gần, cũng là lúc bà Ngân tất bật hơn với nghề làm lồng đèn trung thu truyền thống. Cặm cụi dán giấy màu vào chiếc khung lồng đèn cá chép để kịp giao cho khách hàng, bà Ngân tâm sự: “Tôi bắt đầu nghề làm lồng đèn truyền thống đã hơn 30 năm, đến nay vẫn lưu giữ nghề này. Nói là nghề nhưng thật sự tự mình mày mò chứ không ai dạy, làm dần quen tay nên thành phẩm đẹp và tỉ mỉ hơn”.

Theo lời kể của người phụ nữ U60, năm 1990, tận dụng thời gian rảnh khi giữ xe ở một bệnh viện, bà tiện tay vót trúc, tạo khung làm chiếc đèn ông sao để tặng cho người thân. Nhờ có năng khiếu và khéo tay, lồng đèn bà Ngân làm ai cũng khen đẹp, tinh xảo không kém người thợ chuyên nghiệp. Dần có người đến “đặt hàng” vài chiếc, có khi cả chục chiếc để tặng con cháu mỗi dịp Tết Trung thu. Kể từ đó, bà Ngân gắn bó với nghề làm lồng đèn cho đến nay.

Mỗi năm, cứ sau rằm tháng Giêng, bà Ngân bắt đầu chuẩn bị sẵn các vật liệu từ cây trúc, dây kẽm, hồ dán cho đến các loại sơn dầu... Từ đầu tháng 5 âm lịch cho đến hết ngày Tết Trung thu là giai đoạn bà Ngân tất bật với công việc làm lồng đèn. Theo bà Ngân, để có một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh, người làm phải trải qua nhiều công đoạn thủ công như: chọn cây trúc, cưa và chẻ nan, tạo khung, dán giấy màu, vẽ hoa văn trang trí... Mỗi công đoạn đều quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng và thẩm mỹ của sản phẩm. Đặc biệt, ngoài tay nghề ra, người thợ phải ngồi hàng giờ tỉ mỉ, chăm chút từng chi tiết và “thổi hồn” vào chiếc đèn để tạo ra những sản phẩm bắt mắt.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cạnh trạnh với những chiếc lồng đèn điện tử, ngoài các mẫu đèn hình ông sao, đèn bướm, cá chép, thuyền nan, bà Ngân còn mày mò sáng tạo thêm nhiều mẫu đèn hình bé Sen, hoa sen, trái tim, chiếc xuồng câu và nhận làm theo kiểu dáng, kích cỡ mà khách yêu cầu. Cao điểm khi 2, 3 tuần trước ngày Tết Trung thu, bà Ngân thức đến 2-3 giờ đêm làm lồng đèn. Ước tính mỗi năm, bà Ngân làm khoảng 400 chiếc lồng đèn các loại, giá bán từ 60 ngàn - 350 ngàn đồng/chiếc, thu nhập vài chục triệu đồng.

Là khách hàng thân thiết của bà Ngân gần chục năm qua, chị Huỳnh Vi - giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Lựu (Phường 4, TP Cao Lãnh), chia sẻ: “Gia đình tôi vẫn ưa thích nét bình dị từ chiếc lồng đèn xưa. Mỗi năm, khi Tết Trung thu đến, tôi đều đến chỗ chị Ngân mua lồng đèn cho 2 con. Đến nay, con tôi đã 15 tuổi nhưng vẫn đam mê những chiếc đèn cá chép, ông sao truyền thống”.

Hàng ngày, đi làm ở trung tâm TP Cao Lãnh, chị Nguyễn Thanh Vy (SN 1985) ngụ xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh ấn tượng với hình ảnh những chiếc đèn trung thu rực rỡ sắc màu, kiểu dáng đa dạng được treo đầy nhà của bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân. “Hôm nay tan ca sớm, tiện đường tôi ghé chọn mua 2 chiếc đèn cá chép và hình con bướm về cho các con. Lồng đèn của bà Ngân làm rất đẹp, tinh xảo, chất lượng hơn hẳn những cửa hàng khác. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều người đã chọn mua lồng đèn ở đây. Trong thời buổi hiện đại, ngay giữa lòng thành phố nhộn nhịp lại có người lưu giữ được nghề làm lồng đèn truyền thống là điều mà tôi rất trân quý, nể phục”.

Ngày nay, nhiều người bỏ nghề làm đèn trung thu để chuyển sang nghề khác, nhưng với bà Ngân, cứ mỗi độ Trung thu đến trong lòng bà lại nôn nao với việc làm lồng đèn. Cái nghề đã ăn sâu vào trong tim, trong máu khiến bà không thể bỏ. “Nghề làm đèn thu nhập không cao nhưng có niềm vui, hạnh phúc khó tả. Ngồi uốn từng cây trúc, quét hồ chỗ này, quấn kẽm chỗ kia rồi nhìn thành phẩm của mình lung linh trong ánh nến, bao nhiêu mỏi mệt tan biến hết. Rồi mỗi lần khách đến xem đèn, ưng ý chọn mua, tôi vui sướng hơn. Có hôm, các phụ huynh chở con đến mua đèn Trung thu, nhìn bọn trẻ hồ hởi, thích thú với những chiếc đèn chính tay mình làm ra, trong lòng tôi hạnh phúc vô bờ. Tôi nghĩ, những giá trị vô hình đó là động lực để tôi còn gắn bó với nghề từ năm này, qua năm khác...” - bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân tâm sự.

Ở tuổi “lục tuần”, bà Ngân vẫn ngày ngày cần mẫn với đôi bàn tay chai sạn hoàn thành những chiếc lồng đèn đầy sắc màu. Những lúc rảnh, bà Ngân còn tận tình truyền dạy nghề cho các bạn trẻ, nhất là học sinh, giáo viên trên địa bàn TP Cao Lãnh. Đặc biệt, bà Ngân nhờ người cháu ruột quay clip dạy cách tạo khuôn, dán lồng đèn đăng lên các trang mạng xã hội Facebook, Youtube để những ai thật sự đam mê có cơ hội học hỏi, làm nghề.

Xã hội ngày càng phát triển hiện đại kéo theo sự “lên ngôi” của những món đồ chơi điện tử. Chiếc lồng đèn truyền thống bằng tre, trúc dán giấy màu cũng dần thưa thớt, nhường chỗ cho mẫu đèn trung thu điện tử với mẫu mã đa dạng, đẹp mắt. Người hành nghề làm đèn trung thu truyền thống bỏ nghề cũng không ít. Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân vẫn giữ được “lửa nghề” với tâm niệm: “Còn người yêu thích lồng đèn truyền thống thì còn người thợ làm ra sản phẩm để phục vụ”.

Theo P.L (Báo Đồng Tháp)