Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự tặng quà từ chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn
Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới vào các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo kiện toàn hoạt động Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp; triển khai các hoạt động về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách. Lãnh đạo giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật về vi phạm chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em; tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp phụ nữ vào các dự thảo luật, văn bản quan trọng, nhất là các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được phát huy, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào thị trường lao động, đa dạng các nguồn lực hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh doanh của phụ nữ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 940 sản phẩm khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; hỗ trợ, hướng dẫn thành lập 21 doanh nghiệp nữ; duy trì 35/109 sản phẩm của phụ nữ công nhận đạt OCOP cấp tỉnh (có 31 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao); vận động thành lập 20 Hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý, điều hành với gần 3.100 xã viên từ nền tảng 137 Tổ hợp tác.
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ, xây dựng hình ảnh phụ nữ Đồng Tháp “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được triển khai nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong giới nữ và cộng đồng, góp phần xây dựng cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Điển hình như chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” kịp thời hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Gia đình 5 có 3 sạch”, “3 hộ khá giàu giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững”, góp phần cùng địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng lãnh đạo phát triển nguồn nhân lực nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ doanh nhân. Khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ chủ động học tập, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng cho phụ nữ về giáo dục đời sống gia đình đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, chủ động của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực.
Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình; chủ động trao đổi cơ quan chức năng, tư vấn, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em khi có vấn đề xảy ra. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe phụ nữ; quan tâm vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, giáo dục tiền hôn nhân; chất lượng chăm sóc y tế tại cơ sở ngày càng được cải thiện. Tạo điều kiện phát huy vai trò của Hội LHPN trong công tác theo dõi nắm tình hình tư tưởng, đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ; chủ động phối hợp với các ngành liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến phụ nữ.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Qua đó, nhiều cán bộ nữ trưởng thành từ công tác điều động, luân chuyển và giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thể hiện bản lĩnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên lãnh đạo Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh chỉ đạo đơn vị rà soát thực trạng hội viên và số phụ nữ tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh tập hợp được 331.613/597.952 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên (chiếm 55,46%) có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức Hội. Việc bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên nữ được quan tâm, nhất là trong các ngành, đơn vị có đông nữ, được phân công, bố trí nhiệm vụ phù hợp để cán bộ nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Giai đoạn năm 2018 - 2023, toàn tỉnh kết nạp được 8.060 đảng viên nữ, nâng tổng số đảng viên nữ lên gần 13.700 đồng chí (chiếm hơn 30%) tổng số đảng viên toàn tỉnh.
Thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy khóa XI về tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận đến năm 2025. Tiếp tục lãnh đạo nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức, bộ máy Hội LHPN các cấp, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ nữ, bố trí, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ nữ cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...
Theo DŨNG CHINH (Báo Đồng Tháp)