Đồng Tháp: Tập trung phát huy nguồn vốn vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

11/04/2024 - 10:46

Thời gian qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, ngành ngân hàng Đồng Tháp đã thực hiện tốt Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) nhằm đưa nguồn vốn đến với nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó, góp phần cùng các cấp, các ngành của tỉnh thực hiện thành công mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

A A

Nhờ các nguồn vốn vay giúp nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

Giải ngân kịp thời cho khách hàng vay vốn

Thời gian qua, để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh nhà, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đồng Tháp (NHNN-ĐT) quán triệt kịp thời các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến các địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Thông qua các cuộc họp thường kỳ với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, NHNN-ĐT luôn quán triệt, chỉ đạo các đơn vị ưu tiên xem xét cho vay đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó, ưu tiên cho vay nhu cầu vốn phục vụ phát triển các ngành hàng chủ lực. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các sản phẩm tín dụng, chủ trương, chính sách mới đến các đối tượng khách hàng, nhất là các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận vốn ngân hàng.

Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng giảm bớt thủ tục, cải tiến quy trình cho vay để giải ngân kịp thời cho khách hàng vay vốn. Các ngân hàng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng tiếp cận các dự án trên địa bàn để tư vấn, hướng dẫn thủ tục, đầu tư, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc do cơ chế để được tiếp cận vốn vay...

Từ việc chủ động triển khai thực hiện góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tính đến ngày 31/12/2023, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn hơn 70 ngàn tỷ đồng, tăng 2,61 lần so với cuối năm 2015, với 272.405 khách hàng còn dư nợ; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 là 13,94%, giai đoạn 2016 - 2023 là 12,81%...

Tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên

Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp (Agribank Đồng Tháp) áp dụng nhiều nguồn vốn hỗ trợ chương trình tín dụng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp nông thôn. Theo đó, khách hàng (bao gồm cả hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ trang trại, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp theo mô hình liên kết được vay vốn với nhiều cơ chế ưu đãi hơn so với các khoản vay thông thường. Từ nguồn vốn vay, góp phần hỗ trợ giải quyết được một phần khó khăn về vốn cho sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, cải thiện năng lực trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, khai thác cũng như chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã để sản phẩm nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững...

Tính đến ngày 27/3/2024, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank Đồng Tháp hơn 25.290 tỷ đồng, đạt 99,2% kế hoạch quý I/2024 giao. So với đầu năm tăng 514 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 2,08%...

Ông Hồ Văn Nguyên - Phó Giám đốc Agribank Đồng Tháp, chia sẻ: “Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung triển khai cho vay phục vụ phát triển các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của tỉnh, các ngành hàng chủ lực thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng cho vay các ngành, lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Mặt khác phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể tại địa phương tìm hiểu những mô hình sản xuất hiệu quả chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng để chủ động cung ứng nguồn vốn. Ngoài ra, tuân thủ nghiêm quy trình cấp tín dụng; tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng tín dụng từ khâu thiết lập hồ sơ, thẩm định cho vay và quản lý vốn vay...”.

Ông Vương Trí Phong - Giám đốc NHNN-ĐT, cho biết: “Thời gian tới, ngành ngân hàng tỉnh sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường huy động vốn phục vụ nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung cho vay sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên, nhất là cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã... Thường xuyên phối hợp các đơn vị liên tịch, các sở, ngành, cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình tín dụng, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn...”.

Theo NHẬT NAM (Báo Đồng Tháp)