Đồng Tháp với khát khao mang sen vươn mình ra biển lớn

16/05/2024 - 09:17

Với người dân Đồng Tháp, cây sen không chỉ đơn thuần là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế mà sen còn là biểu trưng gắn liền với giá trị văn hóa, hình ảnh, người dân Đồng Tháp nghĩa tình. Bằng tình yêu dành cho sen, những năm qua, người dân Đồng Tháp có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc khai thác tối đa các giá trị về kinh tế - văn hóa - nghệ thuật từ cây sen. Mỗi sản phẩm về sen là câu chuyện chứa đựng sự khát khao mang sen vươn mình ra biển lớn của người dân Đồng Tháp.

Công nhân ướp trà sen trên cánh đồng tại vùng nguyên liệu sen của Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười)

NHIỀU CƠ HỘI CHO SEN ĐỒNG THÁP

Sen là 1 trong 5 ngành hàng được lựa chọn thực hiện trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh từ năm 2022. Với những kết quả nổi bật trong thời gian qua, ngành hàng sen được kỳ vọng là đòn bẩy mới trong phát triển kinh tế - xã hội của Đất Sen hồng.

Đáng chú ý trong những ngày đầu tháng 5, Đồng Tháp vui mừng chào đón sự kiện có ý nghĩa đặc biệt khi lần đầu tiên sản phẩm củ sen của tỉnh nhà được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới khi mặt hàng nông sản của Đồng Tháp được xuất khẩu sang một thị trường “khó tính”.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt (đơn vị thực hiện xuất khẩu lô củ sen đầu tiên của Đồng Tháp sang thị trường Nhật Bản), cho biết: “Hiện nay, nhu cầu từ thị trường đối với sản phẩm củ sen là rất lớn. Cụ thể, thị trường Nhật Bản có nhu cầu tiêu thụ khoảng 90 - 100 ngàn tấn/năm và thị trường Trung Quốc khoảng 2 - 3 triệu tấn củ sen/năm... Hiện tại, ngoài lô hàng củ sen xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt đang xúc tiến với các đối tác ở Hàn Quốc, Trung Quốc để tiếp tục đưa sản phẩm củ sen xuất khẩu sang 2 thị trường lớn này...”. Ngoài thị trường Nhật Bản, thời gian qua, các sản phẩm được chế biến từ hạt sen như: hạt sen đóng hộp, hạt sen đông lạnh, hạt sen sấy... cũng được đơn vị xuất khẩu mạnh sang các thị trường Singapore, Đài Loan, Hà Lan...

Thông tin thêm về những tín hiệu lạc quan của thị trường dành cho ngành hàng sen trong thời gian tới, ông Ngô Chí Công - Chủ tịch Hội ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp phân tích, hiện nay, dư địa về thị trường đối với ngành hàng sen của tỉnh là rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật được ưu tiên trên toàn thế giới đã mở ra cơ hội về xuất khẩu cho ngành hàng sen tỉnh nhà. Hiện, các sản phẩm sen của Đồng Tháp đang tiếp cận được với nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, châu Mỹ. Ở thị trường nội địa, các sản phẩm được chế biến từ sen của Đồng Tháp cũng được đón nhận mạnh mẽ ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau như nhóm ngành F&B hay các sản phẩm thuần chay. Tuy nhiên, để có thể khai thác được tối đa những giá trị tiềm năng của cây sen, hiện các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đang tập trung nhiều giải pháp về đẩy mạnh phát triển chế biến sâu ở lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm phù hợp với xu thế tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu...

Công nhân thực hiện công đoạn sơ chế củ sen tại Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt, huyện Tháp Mười

CHỦ ĐỘNG BẮT NHỊP XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG

Sau sự kiện Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2022, ngành hàng sen của Đồng Tháp có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Tư duy của các nhân tố trong chuỗi sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, bắt nhịp với xu hướng mới của thị trường. Đây là những yếu tố quan trọng để ngành hàng sen Đồng Tháp bứt phá trong giai đoạn tới.

Thông tin cụ thể về sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng sen trong 2 năm qua, bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Công Thương Đồng Tháp, cho biết: “So với trước đây, doanh nghiệp, người nông dân trong ngành hàng sen ngày càng chuyên nghiệp hơn trong sản xuất, nhạy bén trong việc nắm bắt các xu thế tiêu dùng mới của thị trường để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Chính vì vậy, các sản phẩm được chế biến từ sen của Đồng Tháp không ngừng tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện, Đồng Tháp có hơn 100 sản phẩm được chế biến từ sen, trong đó, tỉnh có 56 sản phẩm sen đạt OCOP từ 3 sao trở lên và đặc biệt có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là Hạt sen sấy của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp. Bên cạnh đó, để bắt nhịp với xu hướng của thị trường, các doanh nghiệp tỉnh nhà không ngừng đổi mới sáng tạo, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới từ sen như: bún sen, trà olong sen, nước hoa sen, son sen, giấy sen, chỉ tơ sen... Các sản phẩm mới được sản xuất dựa trên tiêu chí mang lại sự tiện lợi, sức khỏe và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, tiêu dùng hiện đại của thị trường hiện nay...”.

Nông dân thu hoạch củ sen tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười

Chị Lê Thị Mỹ Ngọc - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tú Trinh Food, huyện Hồng Ngự phấn khởi chia sẻ: “Nhằm hưởng ứng chào mừng Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024, công ty vừa sản xuất thành công 2 dòng sản phẩm mới là bún sen và phở sen sấy dẻo. Đây là 2 sản phẩm được công ty ấp ủ từ nhiều năm qua, chúng tôi kỳ vọng với những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời của hạt sen và gạo của quê hương Đồng Tháp kết tinh trong từng sợi bún và sợi phở sấy dẻo, sẽ mang đến cho người tiêu dùng trong và ngoài nước những trải nghiệm thú vị”.

Bên cạnh các doanh nghiệp xây dựng nhiều chiến lược đột phá trong sản xuất, kinh doanh, nhiều nông dân trồng sen tỉnh nhà cũng có những tư duy đổi mới trong canh tác sen. Nhiều mô hình canh tác sen kết hợp như: sen - cá, sen - lúa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm, mô hình trồng sen lấy củ... được nhân rộng tại nhiều địa phương, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu ổn định, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến và phát triển du lịch.

Anh Đào Thanh Ngài - nông dân trồng sen ngụ Ấp 6B, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, cho biết: “Tôi có gần 30 năm gắn bó với nghề trồng sen lấy hạt, tuy nhiên, ngay khi được chính quyền địa phương thông tin triển khai mô hình trồng sen lấy củ, tôi mạnh dạn đăng ký để trồng thử nghiệm. Tôi nghĩ rằng, để phát triển chuỗi ngành hàng sen theo hướng bền vững, nông dân cần phát triển đa dạng nhiều mô hình canh tác phù hợp thay vì chỉ “bó mình” vào mô hình trồng sen lấy hạt. Xuất phát từ suy nghĩ đó, năm 2023, tôi đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng sen lấy củ và đạt được nhiều kết quả tích cực...”.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố xuất khẩu lô củ sen sang Nhật Bản

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, hiện sen là một trong những ngành hàng đang có nhiều tiềm năng phát triển của tỉnh. Năm 2023, với tổng diện tích gieo trồng sen toàn tỉnh khoảng 1.838ha, giá trị sản xuất ngành hàng sen năm 2023 đạt 1.900 tỷ đồng. Qua thực tế cho thấy, sen là một loại cây trồng mang lại nguồn cảm hứng để các nghệ nhân, doanh nghiệp sáng tạo thành nhiều sản phẩm giá trị kinh tế cao, mang đậm bản sắc tài nguyên bản địa.

Để tạo đòn bẩy cho ngành hàng sen tiếp tục phát triển bền vững, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các nhà khoa học cũng như sự nỗ lực hết mình của cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân...

Theo MỸ LÝ (Báo Đồng Tháp)