Du lịch cộng đồng cũng là sản phẩm đang thu hút du khách đến Cần Thơ. Trong ảnh: Du khách tại bè cá Bảy Bon, hộ dân trong hoạt động du lịch cộng đồng tại cồn Sơn.
Trước đây, thị trường khách nội địa truyền thống của Cần Thơ là khu vực phía Bắc; khách quốc tế chủ yếu từ châu Âu, đặc biệt là Pháp. Trên cơ sở đó, Cần Thơ đã có những định hướng về du khách, đón đầu và tập trung vào các thị trường trọng điểm. Theo đó, Đề án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Phát triển Du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch TP Cần Thơ giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP Cần Thơ... đều xác định cụ thể những thay đổi này.
Với thị trường khách nội địa, Cần Thơ tiếp tục duy trì và gắn kết với các địa phương trọng điểm du lịch của vùng, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Song song đó mở rộng ra các thị trường lân cận: Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, vùng Đông Nam bộ. Đặc biệt, Cần Thơ xác định thị trường khách du lịch có mục đích tìm hiểu đời sống miền sông nước, sinh thái, lễ hội, văn hóa vùng Tây Nam bộ. Đối với thị trường khách quốc tế, Cần Thơ vẫn duy trì thị trường truyền thống là Pháp và các nước Tây Âu, Mỹ, Anh, Canada, Úc; đồng thời hướng tới thị trường Nam Á với các quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; các quốc gia Đông Nam Á; các quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan. Trên cơ sở này, du lịch Cần Thơ tập trung cho các sản phẩm du lịch đặc thù như trải nghiệm văn hóa, đời sống sông nước, sinh thái miệt vườn, khám phá các di sản. Ngoài ra, Cần Thơ đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Cần Thơ đang có lợi thế, như: du lịch MICE, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực.
Để nắm bắt và đáp ứng nhu cầu các thị trường khách theo mục tiêu đã đề ra, Cần Thơ đang tập trung phát triển ngành du lịch theo hướng toàn diện và bền vững; tập trung nâng cao trình độ, năng lực, đổi mới phương pháp đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ lãnh đạo, quản lý du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; không ngừng xây dựng, đổi mới và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, hướng đến các dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng xác định sẽ cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch và nguồn lực phát triển du lịch. Cụ thể, địa phương khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp; thúc đẩy phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, du lịch cộng đồng; xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Cần Thơ cũng khuyến khích đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư phát triển hạ tầng du lịch; huy động hiệu quả nguồn lực, tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch; khai thác hiệu quả các nguồn lực tài nguyên tự nhiên và văn hóa; sử dụng hiệu quả nguồn lực khoa học công nghệ thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp; đầu tư phát triển du lịch gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.
Với những định hướng này, Cần Thơ đang nỗ lực tập trung khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên bản đồ du lịch.
Theo Báo Cần Thơ