Đưa làng trầu Vị Thủy trở thành điểm du lịch ấn tượng

22/03/2023 - 08:52

Cách trung tâm huyện Vị Thủy (Hậu Giang) chưa đến 3 km, làng trầu Vị Thủy rộng hàng chục ha đã tồn tại, phát triển gần trăm năm qua. Đây được xem là làng trầu duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một trong hai làng trầu của miền Nam và cả nước có diện tích lớn và tồn tại lâu đời.

Làng trầu Vị Thủy hiện nay có diện tích khoảng 40ha.

Làng trầu Vị Thủy hiện nay có diện tích khoảng 40ha.

Làng trầu trăm năm

Hàng chục năm nay, làng trầu Vị Thủy được mệnh danh là vương quốc trầu lá với gần 40 ha, tập trung nhiều ở ấp 5 và ấp 7 xã Vị Thủy. Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người ưa thích. Đến xã Vị Thủy, mọi người sẽ thấy một bên đường là những vườn trầu vàng mướt mắt, một bên là dòng kênh rợp bóng dừa, cây ăn trái khiến không gian yên bình, không khí mát mẻ.

Bước trên con đường bê-tông mới vừa được huyện đầu tư vào vườn trầu của ông Bảy Đời (Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng), du khách sẽ không còn cảm thấy cái oi nồng của nắng tháng 3 của mùa khô miền Nam, mà thay vào đó là cảm giác dịu mát. Những tia nắng xuyên qua kẽ lá trầu như từng ngôi sao lấp lánh ẩn hiện làm ngẩn ngơ mắt nhìn. Không gian nồng nàn mùi hương của trầu vàng làm cho người ta có cái cảm giác lâng lâng, trong lành, nhẹ nhàng đến lạ.

Những câu chuyện của ông Bảy Đời càng thêm bay bổng, thú vị về người dân vùng đất trầu thơm này. Chuyện vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang, thành viên hợp tác xã, từ hộ nghèo đã cất nhà tầng ba năm nay nhờ cây trầu. Chuyện doanh nghiệp, nhà khoa học xuống vườn trầu lấy mẫu nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm từ trầu như dầu gió, dầu gội, kẹo trầu… mở ra hướng tiêu thụ bền vững cho sản phẩm trầu. Chuyện nhóm khách gia đình ghé nhà ông Bảy Đời để du lịch dân dã tại vườn trầu được ông đãi món lươn kho khô, cá hủng hỉnh (cá nhỏ, cá vụn như cá bã trầu, lia thia, lòng tong, cá sặt non, cá rô non…) do vợ ông kho. Khách ngồi bên hiên nhà ăn bữa cơm ấm áp và xin mang về phần lươn, cá ăn còn dư ... vì ngon quá. Khách du lịch đến đây sẽ thấy con người Hậu Giang hiếu khách, hào sảng và ẩm thực Hậu Giang đặc sắc, ngon miệng - những yếu tố điểm nhấn trọng tâm phát triển du lịch cộng đồng của Hậu Giang nói chung và du lịch làng trầu Vị Thủy nói riêng.

Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng Bảy Đời cho biết thêm, năm 2022, ông được tham quan, học tập các mô hình du lịch sinh thái và cộng đồng tại hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Sau đó, ông cùng với một số người trong hợp tác xã tham gia 2 lớp tập huấn du lịch cộng đồng do tỉnh và huyện tổ chức. Nhờ đó, mọi người phần nào nắm được chủ trương, định hướng của tỉnh, huyện trong phát triển du lịch làng trầu và cũng đang rất mong làng trầu được đầu tư để phát triển du lịch, giúp đời sống người trồng trầu cũng như kinh tế địa phương phát triển.

Phát huy nhiều giá trị truyền thống

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã từng chia sẻ với tỉnh Hậu Giang, mỗi tài nguyên bản địa đều có thể tạo ra được giá trị nếu mọi người biết cùng nhau vun đắp, xây dựng và phát triển. Làng trầu Vị Thủy có thể tạo ra giá trị to lớn.

Những câu chuyện quay quanh dây trầu, cây cau với nhiều điều thú vị cũng được nhiều người dân trồng trầu kể lại. Đó là sự tích Trầu Cau, là chuyện lấy lá trầu vẽ lông mày cho những đứa trẻ sơ sinh, chuyện ngắt đuôi lá trầu chữa bệnh nấc cụt ở trẻ em, hay lá trầu chữa rôm sảy ở trẻ nhỏ…

Thu hoạch lá trầu sẽ là một trong những trải nghiệm thú vị với du khách tại làng trầu Vị Thủy.

Thu hoạch lá trầu sẽ là một trong những trải nghiệm thú vị với du khách tại làng trầu Vị Thủy.

Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng, Nguyễn Văn Đời cho hay, các thành viên hợp tác xã đã đăng ký làm các loại bánh đặc trưng địa phương, nấu các món ăn dân dã quê hương, tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử… phục vụ du khách đến thăm làng.

Đến làng trầu Vị Thủy, du khách sẽ thấy các cây làm “nọc” tạo thành những giàn trầu dày đặc trên diện tích cả ngàn mét vuông đang dần được thay thế bằng những “nọc” trầu tạo hình tròn, có chỗ trống ở giữa để đặt bàn ghế, thậm chí giường nghỉ. Những “tum trầu”, “homestay trầu” được hình thành phục vụ du khách tham quan, ăn uống, ngủ nghỉ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy Trương Trần Trọng Hiếu cho biết, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trồng trầu ở xã Vị Thủy ngoài việc khai thác lá bán ra thị trường, còn thực hiện mô hình du lịch cộng đồng làng trầu thời gian tới. Trong đó, địa phương khuyến khích người dân làm các vườn trầu tạo hình ngay hàng thẳng lối, đẹp mắt; xây dựng các tuyến đường nông thôn làng trầu khang trang, xanh sạch.

Du khách cũng có thể trải nghiệm thực hiện đếm lá trầu thành từng “ốp”.

Du khách cũng có thể trải nghiệm thực hiện đếm lá trầu thành từng “ốp”.

Dự thảo Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã xác định việc khai thác các làng nghề theo hướng vừa phát triển du lịch, vừa giữ gìn nét văn hóa riêng. Tại làng trầu Vị Thủy, tỉnh sẽ tái hiện hoạt cảnh Sự tích Trầu Cau, trải nghiệm têm trầu theo nhiều phong cách, làm dịch vụ y học chữa bệnh với dược liệu từ cây trầu…

Hy vọng trong tương, làng trầu sẽ là điểm đến du lịch đặc trưng không chỉ của Hậu Giang, mà còn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước. Từ đó, làng trầu Vị Thủy sẽ góp phần đưa Hậu Giang khắc phục tính phát triển nhỏ lẻ, tự phát, trùng lắp về mô hình, cách thức tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng; đưa du lịch cộng đồng của địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; là điểm đến nổi bật trong du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 5 cụm du lịch cộng đồng trọng tâm được phát triển, hoạt động hiệu quả; đến năm 2030, giá trị du lịch cộng đồng đóng góp từ 5% - 6% tổng doanh thu du lịch của tỉnh và du lịch cộng đồng thu hút trên 20% lượt khách du lịch của toàn tỉnh, tăng bình quân 10%/năm, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động, thu nhập của nông dân làm du lịch nông nghiệp và cộng đồng, tăng 1,5 lần so với thu nhập từ làm nông nghiệp thuần túy...

Theo TTXVN