Nhà văn Trần Dũng. Ảnh: BT
Nhà văn Trần Dũng được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013; ông còn là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam. Có thể nói, hiện nay ở Trà Vinh, Trần Dũng là tác giả có nhiều đầu sách đã được xuất bản nhất.
Về in chung, có thể kể đến những quyển sách tiêu biểu như: 50 năm Văn học Trà Vinh - Tuyển tập Thơ, Hội VHNT Trà Vinh (2005); 50 năm Văn học Trà Vinh - Tuyển tập Văn, Hội VHNT Trà Vinh (2005); Kỷ yếu Văn học Trà Vinh (nhiệm kỳ 2006 - 2010); Phần thơ (chủ biên) - Hội VHNT Trà Vinh (2010); Kỷ yếu Văn học Trà Vinh (nhiệm kỳ 2006 - 2010); Phần văn (chủ biên) - Hội VHNT Trà Vinh (2010); Kỷ yếu 20 năm (1992 - 2012) Văn học Trà Vinh (Thơ) - Hội VHNT Trà Vinh (2012); Kỷ yếu 20 năm (1992 - 2012) Văn học Trà Vinh (Thơ) - Hội VHNT Trà Vinh (2012); Nhân vật chí Trà Vinh (2005); Dân ca Trà Vinh (2005).
Về những sách in riêng có thể thấy Trần Dũng là cây viết đa năng, lực viết bền bĩ ở nhiều đề tài và thể loại. Với sáng tác văn học, Trần Dũng có “biệt tài” với thể loại bút ký văn học. Tiêu biểu là các tập: Sóng cửa sông (2006), Theo sóng Cần Chong (2009), Sóng bủa Cồn Ngao (2013) của nhà văn đã được xuất bản. Ông có hơn 10 giải thưởng về văn học cấp quốc gia và khu vực đồng bằng song Cửu Long.
Sinh ra trong một gia đình không phải truyền thống văn nghệ nhưng những tố chất văn chương đã sớm định hình từ những năm ngồi trên ghế nhà trường. Trần Dũng sáng tác trên nhiều thể loại nhưng có thể nói ký văn học là một thể loại mà Trần Dũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Truyện ký của Trần Dũng giàu chất liệu lịch sử, văn hóa dân gian và hiện thực đời sống được tạo tác bằng thứ ngôn ngữ điêu luyện đậm chất Nam Bộ. Trong truyện ký của Trần Dũng đất và người Trà Vinh luôn là “vùng thẩm mỹ” lớn. Từ những tính cách anh hùng nghĩa hiệp trong chiến đấu chống ngoại xâm đến những con người bình dị cuộc sống đời thường đã đi vào những trang văn của Trần Dũng thật sống động, lấp lánh ánh nhìn nhân văn sâu sắc.
Trên địa hạt thơ ca, Trần Dũng cũng đã góp mặt với tập thơ: Trò chuyện với dòng sông (2003). Với văn hóa, văn học dân gian, Trần Dũng đã xuất bản nhiều công trình có giá trị như: Người Khmer và Văn hóa Trà Vinh (2005), Mắm Prồhốc và những món ăn chế biến từ mắm prồhốc (2012), Chuyên khảo thơ ca dân gian Trà Vinh (2012), Diện mạo tính ngưỡng và văn hóa dân gian Trà Vinh (2012), Cù lao Tân Qui - truyền thống và tiềm năng, Văn hóa dân gian cù lao Tân Qui (2015).
Là người viết sử địa phương chuyên nghiệp, Trần Dũng đã góp nhặt và “gia tài” viết lách của mình hơn 50 đầu sách nghiên cứu lịch sử địa phương. Tác giả luôn là cây bút đáng tin cậy trong việc xử lý tư liệu điền dã kết hợp với văn phong khoa học chuẩn mực, thế nên nhiều địa phương đã tin tưởng giao cho Trần Dũng trọng trách viết sử cho địa phương mình.
Có thể thấy với vốn văn hóa dân gian và lịch sử phong phú đa dạng, Trần Dũng đã có nhiều đóng góp lớn trong việc giới thiệu những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Trà Vinh và vì thế theo đánh giá của giới nghiên cứu và cũng là cách đồng nghiệp gọi vui: ông là “Nhà Trà Vinh học”… Bên cạnh đó, với tư cách là một cây bút sáng tác, Trần Dũng đã ghi nhận vẻ đẹp của Đất và Người Trà Vinh trên những trang bút ký tài hoa, sinh động và ấn tượng.
Theo Báo Trà Vinh