Giám sát chất lượng sàng lọc trước sinh và sơ sinh vùng ÐBSCL

26/10/2023 - 22:18

Định kỳ hằng năm, Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ tổ chức chương trình giám sát đến các tỉnh ĐBSCL về công tác sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Qua đó, kịp thời ghi nhận, tháo gỡ khó khăn, giúp các địa phương từng bước nâng cao chất lượng dân số trong vùng.

Bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ hướng dẫn cán bộ sản nhi kỹ thuật lấy máu gót chân. Ảnh: BV cung cấp

Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ là một trong 5 trung tâm sàng lọc của cả nước, phụ trách sàng lọc, chẩn đoán và điều trị trước sinh, sơ sinh cho người dân 12 tỉnh, thành ở ĐBSCL. Trung tâm còn hỗ trợ phát triển mạng lưới và quản lý chất lượng sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của ngành y tế các tỉnh. Đây là hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong khu vực.

Trong tháng 10-2023, Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Cần Thơ tiếp tục chương trình định kỳ giám sát chất lượng sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại các tỉnh. Tại các địa phương, đoàn giám sát tập trung theo dõi việc thực hiện sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh 9 tháng đầu năm 2023. Chương trình cũng khảo sát tình hình sàng lọc xã hội hóa; tìm hiểu và đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình.

Theo các chuyên gia đoàn giám sát, một phần quan trọng trong quá trình giám sát là kiểm tra quy trình thực hành chuyên môn liên quan đến công tác lấy mẫu, bảo quản và gởi mẫu tại các đơn vị giám sát. Các quy trình được thực hiện đúng quy định mới đảm bảo chất lượng mẫu xét nghiệm, từ đó đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác.

Tại một số địa phương như tỉnh An Giang và Trà Vinh, đoàn giám sát triển khai quy trình sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý sơ sinh cho các địa phương. Qua đó, giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các cán bộ y tế địa phương, đồng thời đảm bảo việc đưa ra các quyết định chẩn đoán, điều trị đúng và hiệu quả.

Tại tỉnh Cà Mau, đoàn giám sát ghi nhận kết quả chung về công tác sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của toàn tỉnh, đồng thời khảo sát thực tế tại các BV: BV Sản nhi Cà Mau, BV Đa khoa huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi và Năm Căn. Các cơ sở y tế này hiện gặp một số khó khăn về trang thiết bị, công tác đào tạo chuẩn hóa về siêu âm hình thái thai và kỹ thuật lấy máu gót chân, hướng dẫn về mặt pháp lý để triển khai thực hiện sàng lọc xã hội hóa, xây dựng quy trình theo quy định của Bộ Y tế,…

Từ thực trạng của các đơn vị, đoàn giám sát đề nghị Sở Y tế tỉnh Cà Mau cần có chủ trương đẩy mạnh thực hiện sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh xã hội hoá để nhiều thai phụ và trẻ em tiếp cận được những kỹ thuật sàng lọc. Đặc biệt, mở rộng đối tượng tiếp cận là người dân có mức thu nhập trung bình đối với những kỹ thuật như double test, trible test, tiền sản giật,... Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa công tác quản lý trường hợp nguy cơ cao để phát huy được ý nghĩa nhân văn của chương trình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tư vấn, truyền thông tại các BV để người dân hiểu rõ về những lợi ích to lớn của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia của đoàn giám sát còn phổ biến một số quy trình, kỹ thuật mới như sàng lọc bệnh Thalassemia, tiền sản giật thai kỳ và các bệnh rối loạn chuyển hoá bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.

Với vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL trong lĩnh vực sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, các chuyên gia của BV Phụ sản TP Cần Thơ tiếp tục phối hợp với địa phương tổ chức các lớp đào tạo để chuẩn hóa đội ngũ nhân viên y tế thực hiện công tác sàng lọc; đề xuất, kiến nghị Tổng cục Dân số tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó có chương trình sàng lọc miễn phí tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Theo THU SƯƠNG (Báo Cần Thơ)