Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long

14/09/2023 - 09:42

Tam Bình, là huyện có vị trí chiến lược rất quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, là một trong những căn cứ chiến đấu của Tỉnh ủy Vĩnh Long, Xứ ủy Nam Kỳ.

A A

Nhân dân Tam Bình vốn giàu lòng yêu nước, đoàn kết trong lao động, sản xuất và trong chiến đấu. Từ truyền thống cách mạng của quê hương, Tam Bình luôn sản sinh ra những anh hùng kiệt xuất, những chí sĩ, những lão thành cách mạng kiên trung; trong đó có GS.VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. 

 Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa là công trình văn hóa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nơi đây còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: ĐỨC TÀI

Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa là công trình văn hóa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nơi đây còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: ĐỨC TÀI

GS Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913, sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo tại làng Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Ông sinh ra ở quê ngoại, quê nội ông ở Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Cha ông là Phạm Văn Mùi (thường gọi là ông giáo Mùi) ông là một nhà nho uyên thâm, hiểu biết rộng. Mẹ ông là bà Lý Thị Diệu là một người phụ nữ hiền lành, phúc đức và độ lượng. Phạm Quang Lễ là con thứ hai của ông giáo Mùi và bà Diệu, chị gái Phạm Thị Nhẫn lớn hơn ông 2 tuổi.

Ông vốn là một người có tư chất thông minh thiên phú, với quyết tâm và nghị lực phi thường, ham học hỏi, lại được thừa kế từ sự hiếu đễ của cha mẹ, của Đảng, được quân đội, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho ông đã đạt được rất nhiều các danh hiệu cao quý trên các lĩnh vực.

Khi còn đi học, Phạm Quang Lễ đứng đầu kỳ thi tú tài, ra nước ngoài học tập, ông có tới 6 bằng ĐH và chứng chỉ của các trường ĐH danh tiếng của Pháp khi ở độ tuổi trên 20. Ông đã trở thành Cục trưởng Cục Quân giới lúc 33 tuổi, Thiếu tướng quân đội lúc 35 tuổi, Anh hùng Lao động lúc 39 tuổi, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 53 tuổi,...

Điều đó cho thấy GS.VS Trần Đại Nghĩa là một con người thành danh và thành tài khi còn rất trẻ và là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn nữa, công lao đóng góp cho cách mạng, cho quê hương rất to lớn nhưng cuộc sống và quan hệ với đồng chí, đồng đội, gia đình và bạn bè rất đỗi giản dị, đời thường. Sự tương phản đó hội tụ trong ông, khiến ông càng trở nên lớn lao mà lại rất gần gũi với mọi người.

Cả cuộc đời của GS.VS Trần Đại Nghĩa đã phản ánh một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng vì nước, vì dân, từ bỏ vàng son, gấm vóc, theo Đảng, theo Bác tham gia kháng chiến, cống hiến cả cuộc đời cho hòa bình độc lập tự do của dân tộc, là trí thức là nhà khoa học tận tụy với quê hương đất nước. Chúng ta luôn tự hào, trân quý những cống hiến của giáo sư. Tấm gương của giáo sư sẽ mãi tiếp tục tỏa sáng để thế hệ trẻ hôm nay noi theo. 

Huyện Tam Bình, quê hương anh hùng rất vinh dự và tự hào, nơi sinh ra GS Trần Đại Nghĩa. Người con ưu tú, đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Tên của người được đặt là tên các trường tiểu học, THPT, ĐH, tên đường tại tỉnh Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa do Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long thành lập vào năm 2002.

Đặc biệt Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa tọa lạc tại ấp Mỹ Phú I, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình- đây là công trình văn hóa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ về tinh thần vượt khó, học giỏi, sáng tạo, hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân như GS.VS Trần Đại Nghĩa đã dành cả đời cống hiến.

Trong những năm kháng chiến, Nhân dân Tam Bình không tiếc xương máu, sẵn sàng hy sinh tính mạng, hết lòng nuôi giấu, che chở, đùm bọc cán bộ, đóng góp của cải, vật chất cho cách mạng; đối với lực lượng cách mạng của ta luôn dũng cảm, kiên cường bám trụ, đấu tranh đánh đuổi kẻ thù, tiêu biểu là trận đánh 6 ngày đêm ở xã Hòa Hiệp (quê hương của bác Trần Đại Nghĩa) lực lượng ta chỉ có 11 đồng chí với 7 khẩu súng AR15, một số lựu đạn và vũ khí tự chế nhưng rất kiên cường chiến đấu với lực lượng địch gấp hơn ta gần 140 lần (lực lượng địch gồm: 1 đại đội dân vệ, 1 trung đội bảo an, Tiểu đoàn biệt động 43, Đại đội 697 bảo an Tam Bình, Đại đội 469 bảo an của Cái Nhum, lính bộ binh với nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại…), kết quả trận đánh này về phía ta hy sinh 1 đồng chí, bị thương 2 đồng chí.

Về phía địch, ta tiêu diệt hơn 130 tên (trong đó có 1 cố vấn Mỹ), làm bị thương 21 tên (trong đó bị thương do sụp hầm chông 12 tên, do đạn 9 tên), bắn bị thương 1 máy bay cá lẹp, sau đó rơi khi bay về phía Cần Thơ.

Qua trận đánh 6 ngày đêm ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình đã khẳng định một lần nữa, người dân Tam Bình luôn kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo kể cả trong việc tự chế vũ khí đánh giặc cũng như linh hoạt trong các cuộc chiến đối đầu với địch, luôn làm cho bọn địch khiếp sợ, hoảng loạn.

Tiếp nối truyền thống quê hương anh hùng, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Tam Bình luôn ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế tiếp tục phát triển đúng hướng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng lên; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã đi vào chiều sâu. Đến nay, số xã đạt NTM 16/16 xã, TT Tam Bình đạt đô thị văn minh, huyện Tam Bình phấn đấu cuối năm 2023 đạt chuẩn huyện NTM.

Quan tâm chăm lo chu đáo cho gia đình chính sách, hỗ trợ kịp thời hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, khống chế tốt các loại dịch bệnh. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương có nhiều tiến bộ, công tác tuyển quân nhiều năm liền dẫn đầu toàn tỉnh; tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền; sự tích cực tham gia đóng góp của MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội trong xây dựng Đảng, chính quyền; tổ chức được nhiều phong trào, mô hình chăm lo lợi ích thiết thực đời sống Nhân dân, công tác an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả nổi bật…

Diện mạo nông thôn của huyện Tam Bình đã có nhiều đổi mới. Tam Bình quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2023.Ảnh: XUÂN TƯƠI

Diện mạo nông thôn của huyện Tam Bình đã có nhiều đổi mới. Tam Bình quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2023.Ảnh: XUÂN TƯƠI

Hôm nay, chúng ta ôn lại những chặng đường lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương Tam Bình địa linh, nhân kiệt, quê hương của GS.VS Trần Đại Nghĩa- người con ưu tú của huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, một nhà khoa học tài năng của dân tộc, cả cuộc đời đã đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của quê hương, đất nước.

Noi gương sáng của ông, mỗi người trong chúng ta hãy tích cực học tập, lao động, công tác, nghiên cứu,… để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, luôn giữ vững niềm tin vào lý tưởng cộng sản, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. 

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tam Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, thống nhất, tạo thành sức mạnh tổng hợp quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, trước mắt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết năm 2023 và quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện Tam Bình đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2023.

Theo Báo Vĩnh Long