Giữ niềm lạc quan với nghề

19/04/2022 - 08:45

Chị Nguyễn Thị Thủy, ở khu vực Bình Thuận, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, vừa hoàn thành số lạp xưởng “nhà làm” lại quay sang chuẩn bị nguyên liệu chế biến bánh tét, bánh bông lan theo đơn đặt hàng… của thực khách trong và ngoài TP Cần Thơ. Hơn 20 năm qua, chị Thủy giữ vẹn niềm hạnh phúc, lạc quan với nghề, vừa có thu nhập, vừa góp phần lưu truyền nét đẹp món ăn quê nhà.

A A

Chị Thủy chế biến lạp xưởng “nhà làm” theo cách truyền thống, được nhiều thực khách ưa chuộng, đặt mua. 

Chị Thủy vui vẻ khoe, dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, chị vẫn bán đắt hàng đặt qua điện thoại, mạng xã hội, nhiều nhất là lạp xưởng, giò chả, dưa kiệu, bánh tét, bánh in, bánh kẹp, bánh bông lan… Từ đầu tháng Chạp, chị Thủy bắt đầu nhận đơn hàng và làm đến cận giao thừa, phải huy động chị em trong nhà, trong xóm phụ giúp mới kịp giao hàng. “Tuy cực nhưng tôi rất vui vì được làm nghề yêu thích, có thu nhập đáng kể. Ðối với tôi, hạnh phúc nhất là góp phần quảng bá, lan tỏa hương vị bánh dân gian Trường Lạc đến thực khách gần, xa” - chị Thủy bộc bạch.

Chị Thủy biết làm các loại bánh quê lúc 15 tuổi. Từ tấm bé mỗi ngày chị được xem ngoại và mẹ thuần thục, khéo léo làm các loại bánh dân gian. Chị Thủy thường lân la phụ giúp lau lá chuối, lựa đậu, rây bột… Dần dần, hễ ngoại và mẹ làm bánh bán hay giao mối bạn hàng, đám tiệc, chị Thủy được phân công phụ bếp, sắp xếp nguyên liệu nên tay nghề dần nâng lên. Năm 23 tuổi, chị Thủy lấy chồng về phường Thới An Ðông. Hằng ngày, chồng làm công nhân công ty thủy sản, chị Thủy làm 3 công ruộng nhà chồng cho và chăm sóc con. Kết hợp đưa con trai đầu lòng đi học cấp 1, chị Thủy mang bánh da lợn bán tại trường. Nhiều người ăn bánh khen ngon, đốc thúc chị nghiên cứu “chế” một số loại bánh khác. Năm 2011, vợ chồng chị Thủy trở về nhà mẹ ở phường Trường Lạc, làm các loại bánh, xôi bán ở chợ, bỏ mối các tiệm quen. Dần dà, chị Thủy giao hàng nhiều tiệm, các đám tiệc, lễ, Tết. Ðáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm “nhà làm” của đa số người tiêu dùng, chị Thủy nhận chế biến lạp xưởng, giò chả... theo cách truyền thống.

Tiền dành dụm được, chị Thủy mua 10 công đất. Thời gian đầu, vợ chồng chị Thủy trồng lúa mỗi năm 3 vụ. Về sau, chị Thủy đầu tư cải tạo 5 công vườn trồng trên 100 cây sầu riêng đang có trái chiếng; trồng ớt, gừng, xen rau má, bồ ngót. Mỗi ngày, chị tranh thủ hái rau bán ở chợ, thu nhập khoảng 200.000 đồng. Năm 2019, chị Thủy cất nhà tường khang trang, trị giá 800 triệu đồng, mua sắm tiện nghi sinh hoạt và các thiết bị hiện đại phục vụ việc chế biến thực phẩm các loại nhanh chóng, chuyên nghiệp hơn.

Theo chị Thủy, tuy các thiết bị trợ giúp người làm bánh đỡ mất công sức, thời gian, hoàn thiện bao bì, bảo quản thực phẩm, nhưng có những công đoạn chị Thủy giữ nguyên cách chế biến truyền thống. Chẳng hạn như, trong chế biến lạp xưởng, chị Thủy tự thái, băm thịt heo và sử dụng gia vị, hương liệu ướp thịt gia truyền; pha bột làm bánh bông lan, bánh kẹp trái tim giữ được độ giòn, xốp; làm củ kiệu giòn, chua, ngọt, bảo quản được lâu… để tạo điểm khác biệt cho sản phẩm. Trong chế biến, Thủy không sử dụng hóa chất, phụ phẩm, phụ gia nhưng có “bí quyết” giữ thực phẩm tươi ngon, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Chị Mã Thúy Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Bình Thuận, cho biết, gia đình chị Thủy ba đời có tiếng làm các món ăn dân gian ở phường Trường Lạc. Không chỉ chăm chỉ, siêng năng lao động, chị Thủy chịu khó tìm tòi, cập nhật, học hỏi kiến thức, kỹ thuật kết hợp kinh nghiệm và sự sáng tạo, làm ra các loại bánh dân gian thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðể phát triển và quảng bá hương vị món ăn dân gian địa phương, Hội Phụ nữ giới thiệu chị Thủy vay vốn ưu đãi để có điều kiện mở rộng quy mô chế biến, trang bị máy móc, đồng thời kết nối giới thiệu và tiêu thụ bánh dân gian, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ.

Theo ANH PHƯƠNG (Báo Cần Thơ)