Hậu Giang: Cán bộ trách nhiệm, nhiệt tình, gần gũi với dân

08/05/2024 - 10:44

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

A A

Bà Lê Ngọc Điệp trên chiếc xe đạp thường xuyên tới lui với bà con trong ấp.

Lời căn dặn ấy của Người in sâu trong tâm trí bà Lê Ngọc Điệp, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, với lối sống giản dị, luôn hết lòng với công việc.

Hơn 10 năm công tác tại xã với các chức vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã; năm 2017, bà Lê Ngọc Điệp về sinh hoạt tại ấp và nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp So Đũa Lớn. Người dân ở đây hay gọi bà là cô Ba.

Năm nay gần 70 tuổi, trên chiếc xe đạp, mỗi ngày bà Điệp đều tới lui với bà con, hầu như nhà nào bà Điệp cũng biết cụ thể.

Có nhiều năm kinh nghiệm, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc nên bà luôn vận động được nhiều người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Trước đây, lộ giao thông ấp So Đũa Lớn xuống cấp, việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Nhờ “miệng nói tay làm” mà bà Điệp tạo được sự đồng thuận của người dân thực hiện tốt xã hội hóa nâng cấp lộ. Cụ thể, bà con đã hiến đất, góp công góp của cùng chính quyền địa phương làm mới con lộ ngang 3,5m, dài 1.000m, hơn 100 ngày công lao động.

Với uy tín và tài dân vận khéo léo, cô Ba còn cùng các dân chánh ấp với hòa giải thành nhiều vụ tranh chấp đất, mâu thuẫn ở khu dân cư, mâu thuẫn vợ chồng…

Vụ tranh chấp ranh đất giữa bà Trần Thị Khải với ông Võ Văn Ngoan hồi cuối tháng 3-2023 tưởng phải ra tòa nhưng sau lắng dịu nhờ công cô Ba.

Nắm bắt được sự việc, bà Điệp phân công các thành viên tổ hòa giải dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân, gặp riêng từng bên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Sau đó phân tích, chỉ cho hai bên thấy rõ nên bắt tay làm hòa.

Ấp So Đũa Lớn có 312 hộ dân, cũng nhờ tài dân vận khéo, bà Điệp còn vận động xây dựng mô hình “2 đẹp, 4 có, 4 không” (đẹp đường, đẹp cổng, có điện chiếu sáng, có camera an ninh, có ảnh Bác, có pano tuyên truyền, không rác thải nhựa, không tụ điểm tệ nạn xã hội, không có người sinh con lần 3, không bạo lực gia đình), hiện 68 hộ đăng ký thực hiện mô hình và đang lan tỏa.

Để mô hình nên hình vóc, bà Điệp cùng chính quyền, đoàn thể ấp vận động được trên 2.000 chậu bông các loại, 1 cổng chào ấp, lắp đặt được 30 trụ điện và lắp đặt đèn chiếu sáng, lắp 1 camera, 30 pano tuyên truyền với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 450 triệu đồng, còn lại do Nhân dân đóng góp và xã hội hóa).

Ông Hồ Thanh Ơn, đảng viên Chi bộ ấp So Đũa Lớn, cho biết: “Đồng chí Lê Ngọc Điệp là người có trách nhiệm, tận tụy trong công việc, nhiệt tình và gần gũi với dân. Với các hoạt động, đồng chí luôn “chân đi, miệng nói, tay làm” đã thuyết phục, làm gương và thu hút người dân trong ấp tích cực tham gia. Từ đó, mỗi khi đồng chí phát động, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phong trào nào ở ấp bà con đều đồng tình hưởng ứng, hiệu quả thấy rõ”.

Ông Đặng Ngọc Tân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thạnh Xuân, nhận xét thêm: “Với tôi cũng như bao người dân của ấp, cô Ba luôn là người mẫu mực, một “đầy tớ” thực sự của Nhân dân, là một cán bộ ưu tú dám nghĩ, dám làm”.

“Tôi tin tưởng rằng, những cố gắng, nỗ lực cùng những kinh nghiệm quý báu tích lũy được, cô Ba sẽ có những cách làm hay hơn nữa, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước càng gần dân, sát dân, để Nhân dân tuyệt đối tin tưởng Đảng, nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương”, ông Tân nhấn mạnh.

Bà Điệp không chỉ là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương, mà còn là chỗ dựa tin cậy của Nhân dân, xứng đáng là tấm gương dân vận khéo, điển hình về người cán bộ thực sự “gần dân, hiểu dân, trọng dân và vì dân”.

Theo MINH MẪN (Báo Hậu Giang)